TheoGuardian, bà Clark là Thủ tướng New Zeland từ năm 1999-2008. Với kinh nghiệm của mình, bà được coi là một ứng cử viên nặng ký để trở thành người phụ nữ đầu tiên nắm vị trí đầy quyền lực này.

Bà Clark khẳng định, bà có đủ năng lực để dẫn dắt Liên Hợp Quốc, nhất là trong bối cảnh tổ chức này đang phải đối mặt “với những thách thức cực kỳ nghiêm trọng”.

helen_clark_aubb.jpg
Cựu nữ Thủ tướng New Zealand Helen Clark. Ảnh AP

“Vị trí Tổng thư ký là để nói lên tiếng nói của khoảng 7 tỷ người trên thế giới- những người kỳ vọng và trông đợi vào sự hỗ trợ của Liên Hợp Quốc”, bà Clark nói.

Bà Clark nổi tiếng là một “chiến binh” do đã trải qua 9 năm làm Thủ tướng tại một quốc gia đầy biến động chính trị như New Zealand. Các quan chức cao cấp của Liên Hợp Quốc cho rằng, đó là bằng chứng cho thấy bà có thể chống chọi với áp lực điều hành tổ chức lớn hàng đầu thế giới.

Với tư cách là người đứng đầu Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP), trong 7 năm qua, bà Clark đã chứng tỏ mình là một nhà kỹ trị cứng rắn khi dám cắt giảm mạnh ngân sách trong lĩnh vực do bà quản lý. Điều này giúp bà có thể nhận được sự ủng hộ “vô cùng quý giá” của Mỹ, nước đóng góp nhiều nhất cho hoạt động của Liên Hợp Quốc.

Khi được hỏi về việc liệu bà có tìm cách giảm quyền lực của 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an hay không, bà Clark đã đưa ra một câu trả lời đầy “ngoại giao”: “Tôi nhận thức rõ tầm quan trọng của nhóm P5 [5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an gồm Anh, Pháp, Mỹ, Nga và Trung Quốc-ND] cũng như tầm quan trọng của mọi thành viên khác của Liên Hợp Quốc”.

Hiện câu hỏi được đặt ra liên quan đến việc ai sẽ thay thế ông Ban Ki-moon chính là liệu Liên Hợp Quốc có dám phá vỡ “luật bất thành văn” để đề cử một phụ nữ làm Tổng thư ký?

Trong số 8 ứng viên tranh cử vị trí này, có tới 4 người là phụ nữ, trong đó, đáng chú ý là bà Irina Bokova, người Bulgaria, hiện đang là Chủ tịch UNESCO và nhận được sự ủng hộ nhiệt thành từ Nga.

Trước đó, hồi tháng 12/2015, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Samantha Power- người kiêm nhiệm cả chức Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và Chủ tịch Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc- đã viết thư kêu gọi các nước đề cử ứng viên chức Tổng thư ký Liên Hợp Quốc là nữ.

Trong tuyên bố tranh cử của mình, bà Clark nhấn mạnh, bà thấy mình là người thích hợp nhất để dẫn dắt Liên Hợp Quốc: “Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình tranh cử với tư cách là một người phụ nữ bởi tôi muốn chứng tỏ rằng, phụ nữ hoàn toàn có cơ hội cạnh tranh bình đẳng để có thể nắm giữ những vị trí quan trọng”.

Đây là lần đầu tiên, vị trí Tổng thư ký được lựa chọn một cách công khai và minh bạch. Trước đó, cả 7 Tổng thư ký, bao gồm cả ông Ban Ki-moon đều được lựa chọn thông qua việc thương lượng kéo dài và cực kỳ phức tạp giữa 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.