Các nhà khoa học đã phát hiện ánh sáng của các tia X phát ra từ một hố đen siêu lớn ở trung tâm của một thiên hà cách Trái Đất 800 triệu năm ánh sáng. Theo The Guardian, ánh sáng này là một đặc điểm tương đối bình thường.
Khi nghiên cứu về quầng hào quang rực sáng trên hố đen, các nhà khoa học bất ngờ nhận thấy kính thiên văn cũng thu được ánh sáng dội lại. Những tia sáng dội lại này nhỏ hơn, đến chậm hơn và có màu sắc khác với những tia sáng ban đầu.
Khám phá này xác nhận sự đúng đắn của thuyết tương đối rộng được nhà bác học Albert Einstein đề xuất. Theo đó, lực hấp dẫn từ hố đen sẽ bẻ cong ánh sáng xung quanh, giúp các nhà khoa học có thể quan sát những thứ phía sau hố đen.
“50 năm trước, các nhà vật lý thiên văn bắt đầu suy đoán về cách từ trường hoạt động gần hố đen. Họ không biết rằng một ngày nào đó, chúng ta sẽ có kỹ thuật để quan sát hố đen trực tiếp và thấy thuyết tương đối rộng của Einstein là đúng đắn”, Roger Blandford, đồng tác giả của nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature, cho biết.
“Bất kỳ ánh sáng nào đi vào hố đen đều không thể thoát ra. Vì vậy, đáng ra chúng ta sẽ không thể nhìn thấy bất cứ thứ gì đằng sau hố đen”, Dan Wilkins, nhà vật lý thiên văn tại Đại học Stanford, cho biết.
“Tuy nhiên, chúng ta thấy hiện tượng này do hố đen là không gian cong. Nó bẻ cong ánh sáng và làm xoắn các từ trường xung quanh chính nó”, ông Wilkins giải thích./.