Đúng vào tháng 9 của 70 năm về trước, một người nông dân chặt đầu một chú gà con ở Colorado (Mỹ) nhưng chú gà không chịu… chết ngay cả khi đầu đã lìa khỏi cổ. Chú gà, về sau được đặt tên là Mike, đã sống thêm 18 tháng nữa và trở nên nổi tiếng ở nước Mỹ. Một câu hỏi được đặt ra: Làm thế nào mà chú gà này sống được lâu đến như vậy sau khi bị mất đầu?
Chú gà Mike không đầu nổi tiếng. Ảnh: Life/Getty. |
Vào ngày 10/9/1945, anh nông dân Lloyd Olsen cùng cô vợ Clara chuẩn bị giết gà ở nông trang của mình ở Fruita, Colorado. Lệ thường, Olsen sẽ chặt đầu gà còn vợ sẽ lo làm sạch thịt gà. Nhưng hôm đó, trong độ 40-50 con gà bị “trảm” bằng rìu của Olsen, có một con phản ứng hoàn toàn khác lạ.
Sáng hôm sau vẫn sống khỏe mạnh
Troy Waters, chắt của vợ chồng Olsen, hiện cũng làm nông dân ở Fruita, cho biết: “Hai cụ giết hết số gà đó, nhưng có một con nó vẫn sống, nhỏm dậy và chạy loanh quanh”. Chú gà còn đá chân và không chịu dừng lại.
Con gà sau đó được đặt bên trong một cái hộp để ở khu cửa vòm có rèm che của trang trại trong cả đêm. Khi Lloyd Olsen thức dậy vào sáng hôm sau, anh bước ra ngoài để xem chuyện gì đã xảy ra. “Trời ạ, cái con đó nó vẫn sống”, Waters kể. Vợ của Waters, Christa, thì nói: “Giờ thì nó đã trở thành một phần trong lịch sử dòng họ chúng tôi”.
Từ khi còn bé, Waters đã được nghe kể về câu chuyện chú gà. Hồi đó, ông cụ ốm liệt giường của Waters đến sống trong ngôi nhà bố mẹ anh.
Waters kể tiếp: “Cụ Olsen mang thịt gà ra chợ bán. Cụ mang theo cả con gà kỳ lạ này. Thời đó cụ vẫn hay dùng ngựa và xe kéo. Cụ quăng con gà vào trong xe ngựa, mang con gà theo như thế, rồi thách mọi người cược bia hoặc thứ gì đó đại loại như thế nếu như cụ đưa ra được một con gà không đầu còn sống”.
Đi làm xiếc
Thế rồi khắp Fruita người ta kháo nhau về chú gà không đầu kỳ lạ. Tờ báo địa phương gửi một phóng viên tới phỏng vấn Olsen và hai tuần sau đó, một người ở gánh xiếc tên là Hope Wade đã vượt gần 300 dặm (khoảng 483km) từ thành phố Salt Lake, bang Utah, tới gặp Olsen. Người này có một đề nghị đơn giản: Đưa chú gà này vào nhóm xiếc biểu diễn bên lề, để kiếm tiền.
Waters kể: “Hồi những năm 1940, hai cụ tôi chỉ có một trang trại bé nhỏ, cuộc sống hai cụ rất vất vả”.
Đầu tiên họ cùng tới thành phố Salt Lake và Đại học Tổng hợp Utah. Ở đó, chú gà trải qua một loạt cuộc kiểm tra. Người ta đồn rằng các nhà khoa học của trường đại học này đã tiến hành giải phẫu cắt đầu của nhiều con gà khác để xem xem liệu có con nào sống không.
Chính ở đây tạp chí Life đã ngạc nhiên để ý đến câu chuyện về “Mike Diệu kỳ - Chú gà không đầu” – biệt danh do Hope Wade đặt cho chú gà.
Vợ chồng nông dân Lloyd Olsen. Ảnh: Gia đình Waters. |
Sau đó, cụ Lloyd, Clara và gà Mike cùng khởi hành chu du vòng quanh nước Mỹ.
Họ cùng đi California và Arizona. Sau đó Hope Wade đưa Mike đi một tua xuống vùng đông nam nước Mỹ trong lúc vợ chồng cụ Olsens phải trở về trang trại để thu hoạch vụ mùa.
Hành trình của chú gà đã được cụ bà Clara ghi lại cẩn thận trong một cuốn sổ hiện được lưu giữ trong két đựng súng của gia đình Waters.
Người dân ở nhiều nơi của nước Mỹ đã viết thư cho gia đình Olsen. Họ nhận được tầm 40-50 bức thư, không phải bức thư nào cũng có lời lẽ tốt đẹp cả. Một lá thư so sánh hai cụ Olsen với bọn Đức Quốc xã, lá thư khác gửi từ Alaska yêu cầu họ đổi đùi gà Mike lấy một cái chân gỗ. Một số bức thư chỉ đề địa chỉ gửi là “Các chủ nhân của chú gà không đầu ở Colorado”, ấy thế mà chúng vẫn tới được trang trại của gia đình Olsen.
Sau chuyến biểu diễn đầu tiên, hai vợ chồng Olsen đưa “Mike Chú gà Không đầu” tới Phoenix, Arizona. Nơi đây, chuyện không may đã xảy đến vào mùa xuân năm 1947.
Waters kể: “Chính ở chỗ đó con gà đã qua đời”.
Nếu chặt đầu gà, chuyện gì sẽ xảy ra?
Việc chặt đầu làm cho não bị ngưng kết nối với phần còn lại của cơ thể. Nhưng trong thời gian ngắn, các “mạch” ở cột sống vẫn còn oxy sót lại.
Nếu không nhận được lệnh từ bộ não, các mạch này sẽ kích hoạt một cách tự phát. Tiến sĩ Tom Smulders của Đại học Newcastle nói: “Các neuron bắt đầu hoạt động, chân sẽ bắt đầu chuyển động”.
Thường thì khi bị chặt đầu, gà sẽ nằm bẹp xuống. Nhưng có những trường hợp hiếm, các neuron sẽ khởi động một chương trình chạy.
Tiến sĩ Smulders nói: “Thực sự gà sẽ chạy một lúc. Nhưng chỉ độ 15 phút gì đấy, chứ không phải là tới 18 tháng”.
Chế độ chăm sóc đặc biệt
Vợ chồng cụ Olsen dùng lọ thuốc nhỏ mắt để nhỏ thức ăn lỏng và nước vào thẳng thực quản của Mike và nhờ đó nuôi sống con gà. Ngoài ra họ còn dùng xy-ranh để làm sạch các chất nhầy khỏi họng con gà – đây cũng là một động tác quan trọng giúp con gà duy trì sự sống.
Một bài thơ bằng tiếng Anh viết riêng cho chú gà không đầu Mike. Ảnh: Gia đình Waters. |
Vào đêm Mike chết, âm thanh từ chú gà bị nghẹt thở đã đánh thức hai vợ chồng cụ Olsen đang ngủ trong nhà trọ ven đường trong chuyến đi của mình. Khi hai cụ đi tìm xy-ranh, họ nhận ra mình đã bỏ quên ở gánh xiếc. Và Mike đã chết ngạt trước khi họ tìm ra giải pháp khác để cứu Mike.
Waters kể: “Trong nhiều năm cụ Lloyd cứ bảo rằng cụ đã bán con gà cho một ông trong gánh xiếc… Mãi tới sau này, vài năm trước khi cụ qua đời, cụ mới thừa nhận với tôi là đêm đó con gà chết bên cụ. Tôi nghĩ chắc cụ không muốn nhận đã để cho con gà đẻ trứng vàng ấy chết bên mình do sự sơ suất của chính mình”.
Cụ Olsen không bao giờ tiết lộ đã làm gì với con gà đã chết. Waters phán đoán: “Tôi chắc là nó bị vứt đâu đó trên sa mạc giữa chỗ này và Phoenix, bên vệ đường, có thể đã bị lũ sói ăn”.
Nhưng xét về mọi phương diện thì chú gà Mike, vốn bị nuôi để làm món gà rán, đã hên hơn nhiều các con gà khác. Làm thế nào mà nó có thể sống lâu đến vậy?
Giải mã
Điều gây ngạc nhiên cho Tiến sĩ Tom Smulders – một chuyên gia về gà tại Trung tâm Hành vi và Tiến hóa của Đại học Newcastle, là việc chú gà Mike không bị chảy máu đến chết. Còn về việc cơ thể chú gà vẫn hoạt động được khi không có đầu thì ông thấy dễ giải thích hơn.
Đối với con người, mất đầu sẽ đồng nghĩa với mất gần như hoàn toàn bộ não. Đối với gà, câu chuyện khác một chút.
Tiến sĩ Smulders nói: “Bạn sẽ ngạc nhiên khi biết rằng não nằm bên trong phần trước của đầu gã nhỏ đến nhường nào”. Bộ não đó tập trung hầu hết ở phía sau sọ, đằng sau mắt.
Các báo cáo chỉ ra rằng mỏ, mặt, hai mắt và một tai của Mike đã bị cắt lìa sau nhát rìu của cụ Olsen. Nhưng Tiến sĩ Smulders ước tính rằng về mặt khối lượng, tới 80% bộ não của chú gà còn nguyên, mà mảng não này kiểm soát các chức năng cơ bản của con gà như nhịp tim, thở, cảm giác đói, và tiêu hóa.
Troy Waters (chắt của cụ Lloyd Olsen) tạo dáng chụp ảnh bên tượng chú gà Mike ở Fruita, nơi người dân hàng nămtổ chức lễ hội gà không đầu. Ảnh: AP. |
Thời đó người ta cho rằng Mike sống sót sau cú chặt của rìu là nhờ một phần hoặc tất cả thân não vẫn còn dính vào cơ thể chú gà. Kể từ thời đó, khoa học đã phát triển, và cái được gọi là thân não thời đó thực chất là một phần của bộ não chính.
Tiến sĩ Smulders nói: “Đa phần bộ não gà mà chúng ta biết ngày nay thì vào thời đó đều được coi là thân não. Tên dùng để đặt cho các vùng của não gà vào cuối thế kỷ 19 đều dùng để chỉ các bộ phận tương ứng với não động vật có vú – trên thực tế điều này là sai”.
Vì sao những người khác thử tạo ra một chú gà Mike của riêng mình thì lại không thành công? Điều này khó giải thích. Có thể là, trong trường hợp của Mike, vết cắt nằm đúng chỗ, rồi một cục máu đông xuất hiện kịp thời và giúp con vật không bị mất máu đến chết.
Troy Waters đồ rằng cụ của mình đã thử dùng rìu vài lần để lặp lại chiến tích Mike. Chắc chắn người khác cũng thử làm vậy.
Một người hàng xóm đã mua nhiều gà cùng 6 lon bia rồi tới trang trại của Olsen thuyết phục ông hướng dẫn chính xác cách chặt gà để có được chú Mike.
Nhiều người ở Fruita nghĩ rằng gia đình Olsen kiếm được bội tiền từ chú gà Mike. Nhưng theo Waters, đó là một sự phóng đại.
Waters kể: “Đúng là cụ ý kiếm được chút đỉnh từ con gà này”. Cụ mua một máy đóng cỏ, và hai cái máy kéo để thay thế cho ngựa và la. Xa xỉ hơn một chút, cụ mua thêm một chiếc xe bán tải để phục vụ công việc đồng áng.
Waters từng hỏi Lloyd Olsen liệu cụ có thấy vui không. “Và cụ trả lời, “Ồ, có chứ cháu. Ta được đi du lịch, tham quan một số nơi ở nước mình mà lẽ ra đã không có cơ hội đi. Ta lại có thể mua sắm thêm thiết bị nông nghiệp nữa”.”
“Cụ ấy vẫn làm và sống bằng nghề nông trong suốt phần đời còn lại của mình”./.