Cuộc họp 4 bên về Ukraine giữa Ngoại trưởng Nga, Ukraine, Đức và Pháp kết thúc ngày 21/1 tại Berlin, Đức với việc đạt được những kết quả bước đầu, hướng đến việc giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine.
Tuyên bố đưa ra sau cuộc họp nhất trí kêu gọi các bên dừng ngay lập tức những biện pháp thù địch và rút vũ khí hạng nặng ra khỏi đường ranh giới được nhất trí theo thỏa thuận ngừng bắn Minsk.
Các cuộc đối thoại này diễn ra trong bối cảnh khu vực miền Đông Ukraine đang đối mặt với nguy cơ giao tranh tổng lực, sau khi chính phủ Ukraine tuyên bố sẽ giành lại quyền kiểm soát khu vực phía Đông.
Theo lực lượng đối lập tại miền Đông, chỉ trong ba ngày giao tranh vừa qua, hơn 500 lính Ukraine đã thiệt mạng, khoảng 1.500 lính bị thương. Tuyên bố đưa ra sau cuộc họp nêu rõ: Các bên cần dừng tất cả các hành động thù địch, rút vũ khí ra khỏi đường gianh giới đã được nhất trí, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động nhân đạo trong khu vực.
Các cuộc tiếp xúc giữa Nga, Ukraine và Tổ chức an ninh và hợp tác châu Âu nên được tổ chức sớm nhất có thể, với mục tiêu đặt nền tảng cho cuộc gặp cấp cao tại thủ đô Astana của Kazakhstan.
Ngoại trưởng Ukraine Pavlo Klimkin cho rằng, sau những cuộc thảo luận khó khăn, các cuộc đàm phán đã mang lại kết quả tích cực: “Chúng tôi có những cuộc thảo luận. Các bên đã nhất trí về một số nội dung cụ thể như cuộc họp tiếp xúc 3 bên trong những ngày sắp tới. Điều này sẽ mang lại kết quả và tôi hi vọng tất cả các bên đều hợp tác hướng đến một giải pháp”.
Rõ ràng sau các cuộc đàm phán không mang lại hiệu quả giữa 4 nước vào tuần trước, cuộc họp lần này được cho là những bước đi đầu tiên hiện thực hóa thỏa thuận Minsk đạt được vào tháng 9 năm ngoái.
Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier nhận định, đây không phải là bước đột phá nhưng đã mang lại kết quả cụ thể. Những kết quả bước đầu này sẽ chứng minh được tính hiệu quả trong những ngày sắp tới tại Ukraine.
Các bên tham gia đối thoại cũng khẳng định, chỉ khi Thoả thuận Minsk ngày 5/9 đạt được những bước tiến cụ thể, cuộc gặp thượng đỉnh "Normandie" tại Kazakhstan mới có cơ hội diễn ra.
Những bước đi nhỏ này liệu có hướng đến một giải pháp toàn diện hơn cho cuộc khủng hoảng Ukraine như các bên mong đợi hay không vẫn là một câu hỏi để ngỏ, khi các bên liên quan vẫn không ngừng cáo buộc lẫn nhau trên các diễn đàn quốc tế.
Phát biểu tại Diễn đàn kinh tế thế giới tại Davos (Thụy Sĩ) ngày 21/1, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko khẳng định sẽ tiếp tục nỗ lực quốc tế kêu gọi gia tăng trừng phạt Nga.
Cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về tình hình Ukraine đêm 21/1 tiếp tục bế tắc với việc các bên không ngừng cáo buộc lẫn nhau. Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Samatha Power cho rằng, đề xuất hòa bình mới Tổng thống Nga Vladimir Putin gần đây là một “kế hoạch tham vọng mới” của Nga.
Trong khi đó, Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vitaly Churkin tiếp tục kêu gọi Mỹ dừng hành động ủng hộ chính quyền Ukraine gia tăng bạo lực tại miền Đông.
Ông Churkin nói: “Nhìn chung về cuộc khủng hoảng Ukraine, Mỹ đang đóng vai trò gây bất ổn. Họ đưa ra những hành động khiêu khích. Sau hàng loạt các chuyến thăm cấp cao của chính phủ Mỹ tới Ukraine, Kiev bắt đầu đưa ra các hoạt động đối đầu. Những hành động của chính phủ Ukraine tại miền Đông trong mấy ngày qua diễn ra sau khi một tướng Mỹ tại châu Âu tới thăm Kiev”
“Đừng quá trông đợi vào các cuộc đàm phán quốc tế” – đó là thông điệp của Thủ tướng Đức Angela Merkel đưa ra khi đề cập đến những nỗ lực quốc tế hướng đến giải pháp cho cuộc khủng hoảng Ukraine.
Phía Nga cũng cho rằng, cuộc khủng hoảng Ukraine không phải là những vấn đề mâu thuẫn giữa Nga- Ukraine hay giữa Nga và phương Tây, nó xuất phát từ những mâu thuẫn nội tại trong lãnh thổ Ukraine. Vì vậy, theo người đứng đầu Bộ Ngoại giao Nga Lavrov, đối thoại trực tiếp giữa chính phủ Ukraine và hai nước cộng hòa nhân dân tự xưng Donetsk và Lugansk mới là chìa khóa để giải quyết cuộc khủng hoảng sâu sắc tại Ukraine./.