Giới chức Palestine không kỳ vọng nhiều vào kết quả cuộc gặp. Trong khi đó, Tổng thống Donald Trump cũng vấp phải sự nghi ngờ ở cả trong nước và nước ngoài về khả năng đạt được đột phá. 

trump_abbas_grxw.jpg
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Palestine Abbas.

Tuần trước Tổng thống Donald Trump tuyên bố, ông “không thấy có lý do” không thể đạt được một nền hòa bình giữa Israel và Palestine. Trùng quan điểm này, Tống thống Palestine Abbas cũng nói rằng, một thỏa thuận hòa bình lịch sử chấm dứt cuộc xung đột kéo dài nhiều thập niên là khả thi dưới sự lãnh đạo của tổng thống Donald Trump.

Kết quả khảo sát của Trung tâm nghiên cứu chính sách đặt tại Ramala, Bờ Tây cho thấy, chỉ 9% tin tưởng ông Donald Trump sẽ giúp hồi sinh đàm phán Israel-Palestine, trong khi 38% có ý kiến, ông sẽ làm quan hệ Israel-Palestine xấu đi.

Hai đảng chính trị của người Palestine là Hamas và Fatah tỏ ra rất ít hy vọng chính quyền Tổng thống Donald Trump có thể mang lại tiến triển trong nỗ lực nối lại hòa đàm giữa Israel và Palestine. Bản thân Tổng thống Abbas cũng đặt ra mục tiêu rất “khiêm tốn” cho chuyến thăm Mỹ.

Theo các quan chức Palestine, một trong những mục tiêu chính của ông trong chuyến thăm đơn giản chỉ là lắng nghe kế hoạch của Tổng thống rump về việc nối lại hòa đàm. Triển vọng hòa đàm mờ mịt hơn khi Tổng thống Mỹ thời gian qua có những phát ngôn và động thái gây tranh cãi.

Hồi tháng 2, Tổng thống Donald Trump đã đi ngược lại chính sách lâu năm của Mỹ khi trong cuộc gặp với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố ông để ngỏ các giải pháp thay thế cho giải pháp 2 nhà nước, cho rằng, “một nhà nước hay hai nhà nước” đều có thể tính đến nếu hai bên chấp nhận.

Các nhà ngọai giao Mỹ sau đó tái khẳng định với giới chức Palestine rằng, Mỹ vẫn cam kết với giải pháp 2 nhà nước, và thiết lập nhà nước Palestine độc lập, song nhiều người tiếp tục nghi ngờ về sự vô tư trong vai trò trung gian của Mỹ.

Một tuyên bố gây tranh cãi khác là kế hoạch chuyển Đại sứ quán Mỹ tới Jerusalem, một động thái ngầm chấp nhận chủ quyền của Israel đối với toàn bộ thành phố tranh chấp này.

Ông Donald Trump cũng bị cho có quan điểm “thông thoáng hơn” đối với chính sách định cư của Israel nếu so với chính quyền tiền nhiệm Barack Obama. Ngoài ra, ông Donald Trump còn bị hoài nghi khi lựa chọn con rể Jared Kushner, người có ít kinh nghiệm chính trị, ngoại giao làm người giám sát và kiến tạo các nỗ lực hòa bình bình Trung Đông.

Theo giới quan sát, trước quan điểm của Palestine chỉ đồng ý đàm phán với điều kiện Israel dừng các hoạt động định cư thì Tổng thống Donald Trump rất có sẽ lôi kéo các nước Arab cùng tham gia để đưa đến một thỏa thuận hòa bình rộng rãi hơn.

Cách tiếp cận này có thể dựa trên một phần sáng kiến hòa bình Arab năm 2012, trong đó kêu gọi thiết lập một nhà nước Palestine trên các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng, để đổi lấy bình thường hóa quan hệ giữa Israel và các nước Arab./.