Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ có cuộc gặp chính thức lần đầu tiên với Tổng thống Nga Vladimir Putin vào ngày 16/7 tại Helsinki, Phần Lan.Sau hàng loạt những căng thẳng, quan hệ hai nước đang ở mức thấp nhất kể từ Chiến tranh Lạnh, có những lúc tưởng chừng như có thể rơi vào thế đối đầu. Thông qua Hội nghị Thượng đỉnh lần này, dư luận đang đặc biệt quan tâm liệu hai bên có hóa giải được hết những mâu thuẫn chất chồng lâu nay để xây dựng mối quan hệ đáng tin cậy hơn trong tương lai hay không.

Nhân dịp này, phóng viên VOV thường trú tại Mỹ phỏng vấn chuyên gia Anthony Nelson, Giám đốc phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương tại Tập đoàn Albright Stonebridge.

PV:Đây sẽ là lần đầu tiên Tổng thốngDonald Trumpgặp chính thức Tổng thốngVladimir Putinkể từ khi ôngTrumpnhậm chức. Theo ông, hai bên sẽ thảo luận những nội dung gì tại cuộc gặp này?

Chuyên giaAnthony Nelson: Tôi nghĩ rằng, Tổng thống Donald Trump muốn đạt được một thắng lợi ngoại giao sau một hội nghị thượng đỉnh NATO được cho là khá gây chia rẽ. Tôi cho rằng, Tổng thống Donald Trump muốn có cơ hội để chứng tỏ ông đã cải thiện quan hệ với Nga. Cả Mỹ và Nga đều muốn quan hệ hai nước bước sang một trang mới. Cả hai đều muốn bỏ qua các vấn đề trong những năm qua và tìm cách làm cho quan hệ giữa hai nước trở nên hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, có một số vấn đề mà cả hai sẽ không dễ dàng giải quyết. Cụ thể đó là tình trạng bán đảo Crimea. Tổng thống Donald Trump đã từng ngụ ý rằng ông có thể công nhận Crimea thuộc Nga và có thể ông sẽ tiếp tục đề cập tới vấn đề này tại thượng đỉnh Mỹ-Nga.

Một nội dung thảo luận nữa đó là Syria, Tổng thống Donald Trump muốn rút toàn bộ quân đội Mỹ khỏi Syria. Ngoài ra, hai bên cũng sẽ có thể thảo luận vấn đề Triều Tiên. Hai bên cũng sẽ đề cập tới cáo buộc Nga can thiệp vào bầu cử ở Mỹ mặc dù Tổng thống Trump nói rằng ông sẽ không thể làm gì nếu Tổng thống Putin phủ nhận cáo buộc này.

Về phía Nga, có thể Tổng thống Putin sẽ đề cập tới một số biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Nga. Vẫn còn một số vấn đề gai góc cần giải quyết giữa hai nước để có thể cuối cùng đưa ra một tuyên bố tích cực cuối cuộc gặp.

PV:Quan hệ Mỹ-Nga là một trong những mối quan hệ phức tạp nhất thế giới, vậy đâu là những khác biệt khiến hai nước khó có thể xây dựng lòng tin với nhau?

Chuyên giaAnthony Nelson: Mỹ và Nga luôn có nhiều mâu thuẫn trong lịch sử. Mỹ luôn luôn bảo vệ một trật tự phương Tây đã được thiết lập trong khi đó Nga đang muốn quay trở lại thời kỳ huy hoàng của mình và chính điều đó đã dẫn tới xung đột giữa hai bên. Nga luôn cho rằng NATO và một số động thái của Mỹ trực tiếp nhắm vào nước này, do đó xung đột giữa hai bên là khó tránh khỏi.

nga_my2_qfsk.jpg
Tổng thống Nga-Mỹ dự kiến có cuộc gặp Thượng đỉnh tại Helsinki (Ảnh: Sputnik)

PV:Căng thẳng giữa Mỹ và Nga vẫn tiếp diễn trong những năm qua, tuy nhiên, Tổng thống

Donald Trumpvẫn
luôn muốn cải thiện quan hệ giữa hai nước. Vậy điều đó có phải Mỹ và Nga vẫn cần nhau để giải quyết các vấn đề quốc tế?

Chuyên giaAnthony Nelson: Có một số lĩnh vực rất cần tới sự hợp tác giữa Mỹ và Nga. Tôi đã đề cập tới Syria và Triều Tiên, những vấn đề mà cả Nga và Mỹ cần phối hợp để có thể đạt được tiến triển. Cá nhân Tổng thống Donald Trump bị chỉ trích rất nhiều về cáo buộc một số thành viên trong nhóm vận động tranh cử của ông cấu kết với Nga.

Tổng thống Trump muốn cải thiện quan hệ với Nga giống như cách ông thực hiện với Triều Tiên và chứng minh rằng ông khác với Tổng thống Obama và các chính phủ tiền nhiệm khác. Ông cho rằng ông có thể tạo ra thay đổi thực sự trong quan hệ với Nga.  

PV:Có ý kiến cho rằng cuộc gặp này chỉ mang ý nghĩa tượng trưng và hai bên sẽ không thể hóa giải các mâu thuẫn. Ông có nghĩ cuộc gặp này sẽ đạt được một điều gì đó cụ thể để ít nhất khiến cho quan hệ giữa hai nước không tiếp tục đi xuống?

Chuyên giaAnthony Nelson: Rất khó có thể dự đoán điều này. Tôi cho rằng, cuộc gặp này có thể là một giải pháp tạm thời trong một thời gian. Hiện đang có sự khác biệt trong cách nhìn nhận về Nga giữa quốc hội và lực lượng chủ chốt tại Mỹ với Tổng thống Donald Trump. Tương tự như vấn đề Triều Tiên, cuộc gặp này có thể sẽ đạt được một thỏa thuận nhưng nặng về tính hình thức và cả hai bên sẽ đều tuyên bố thắng lợi. Tuy nhiên, trên thực tế sẽ không có nhiều chi tiết cụ thể được đưa ra.

PV: Xin cảm ơn ông!/.