Bên lề cuộc họp của Bộ trưởng các nước Hội đồng Bắc Cực ở Reykjavik, một thành phố có lịch sử sâu sắc trong quan hệ Mỹ - Nga, hai ngoại trưởng bắt đầu cuộc nói chuyện thẳng thắn nhưng bình tĩnh về sự khác biệt. Đáng chú ý, cả hai ngoại trưởng đều nhấn mạnh đến nhu cầu phải cải thiện quan hệ. Ngoại trưởng Mỹ Blinken thừa nhận có bất đồng trong quan hệ Mỹ - Nga nhưng ông cho biết, Washington muốn tìm kiếm cơ hội hợp tác với Moscow.
“Chúng tôi tìm kiếm một mối quan hệ ổn định, có thể đoán trước với Nga. Chúng tôi nghĩ rằng điều đó tốt cho người dân Mỹ, tốt cho người dân Nga và thực sự tốt cho thế giới. Cũng không có gì bí mật khi chúng tôi có những khác biệt và khi nói đến những khác biệt đó, như Tổng thống Biden cũng đã chia sẻ với Tổng thống Putin, nếu Nga có hành động gây hấn với Mỹ, các đối tác và đồng minh của chúng tôi, chúng tôi sẽ đáp trả và Tổng thống Biden đã chứng minh bằng cả lời nói và hành động, không nhằm mục đích leo thang, không tìm kiếm xung đột, mà để bảo vệ lợi ích của chúng tôi”.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Sergei Lavrov cho biết, Nga sẵn sàng thảo luận tất cả các vấn đề với Mỹ. Ông cũng bày tỏ hy vọng lãnh đạo hai nước sẽ tìm cách để cải thiện quan hệ.
“Chúng tôi có sự khác biệt nghiêm trọng trong việc đánh giá tình hình quốc tế, chúng tôi có sự khác biệt nghiêm trọng trong cách tiếp cận các nhiệm vụ phải giải quyết. Tuy nhiên, Tổng thống hai nước trong các cuộc điện đàm đã xác nhận rằng, hai bên cần hợp tác về các vấn đề mà chúng ta có cùng quan điểm cho đến khi đạt kết quả tích cực”.
Cuộc chạm trán tại Reykjavik đánh dấu lần đầu tiên quan chức ngoại giao hàng đầu hai nước gặp mặt kể từ khi ông Joe Biden trở thành Tổng thống Mỹ. Thực tế cho thấy, việc Nhà Trắng có chủ nhân mới chưa mang lại tiến triển tích cực cho quan hệ Nga - Mỹ. Đã có lúc, căng thẳng song phương tưởng chừng như muốn trở về thời kỳ Chiến tranh Lạnh sau pha “lỡ lời” của Tổng thống Biden về người đồng cấp Nga Vladimir Putin, hay hàng loạt động thái trục xuất các nhà ngoại giao Nga tại Mỹ và một số đồng minh, đối tác tại châu Âu.
Chính vì thế cuộc gặp mặt lần này giữa hai ngoại trưởng được cho là gỡ nút thắt để tiến tới mở đường cho cuộc gặp Thượng đỉnh Nga - Mỹ để bàn về những hợp tác mà hai bên cùng quan tâm như: biến đổi khí hậu, Trung Đông, Iran và Triều Tiên.
Theo một số nhà phân tích, cuộc gặp giữa hai nhà ngoại giao hàng đầu Nga - Mỹ không có “luận chiến” cho thấy đây là một sự khởi đầu tốt để cuộc gặp giữa hai tổng thống có thể diễn ra. Nó cũng cho thấy triển vọng về một quỹ đạo mới, tích cực hơn cho quan hệ Mỹ - Nga. Tuy nhiên, điều này sẽ tiếp tục phụ thuộc vào thiện chí từ hai bên nhằm tìm điểm chung, vượt khác biệt, tạo tiền đề cho cuộc gặp Thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo, dự kiến diễn ra vào tháng 6 tới./.