Trong ngày làm việc hôm nay (9/4), các chuyên gia, học giả, các nhà quản lý kinh tế đã cùng nhau thảo luận nhằm tìm ra những biện pháp vượt qua những thách thức mà châu Á đang phải đối mặt. Bên cạnh đó, cuộc chiến thương mại Trung - Mỹ tuy không phải là nội dung chính nhưng lại là chủ đề "nóng" thu hút sự quan tâm của truyền thông.

1_ccwo.jpg
Diễn đàn Bác Ngao 2018 trong ngày làm việc 9/4

Trước vấn đề các nước châu Á sẽ như thế nào khi chủ nghĩa bảo hộ đang trỗi dậy mạnh mẽ, nguyên Tổng thư ký Diễn đàn Bác Ngao Chu Văn Trọng cho rằng, sự phát triển của kinh tế thế giới không thể tách rời châu Á.

Hiện, các nền kinh tế châu Á đóng góp tới hơn 1/3 vào nền kinh tế thế giới, các nền kinh tế châu Á có mối liên hệ, tương trợ qua lại ngày càng mật thiết. Giao dịch thương mại giữa các nền kinh tế châu Á trên thực tế đã vượt qua lượng giao dịch giữa châu Á và Liên minh châu Âu (EU).

Ông Chu Văn Trọng cũng bày tỏ tin tưởng, các nền kinh tế châu Á có đủ năng lực thực hiện những mục tiêu phát triển của riêng mình.

Ông Chu Văn Trọng phát biểu tại Diễn đàn

Đối với "Báo cáo thường niên về tiến trình nhất thể hóa kinh tế châu Á" được đưa ra tại hội thảo, có ý kiến cho rằng, khó khăn lớn nhất mang tính không xác định mà những nền kinh tế mới nổi sẽ phải đối mặt trong năm 2018 chính là phát triển của hình thức thương mại. Các chuyên gia cũng cho rằng, mọi biện pháp bảo hộ thương mại đều không thể giải quyết những vấn đề mà nền kinh tế phải đối mặt, tự do thương mại mới là động lực của tăng  trưởng kinh tế, mở cửa mới là tiến bộ.

Cũng trong ngày làm việc hôm nay, nhiều chuyên gia, học giả đã bày tỏ quan ngại về tình hình đối đầu thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ đang diễn ra.  Ông Chu Văn Trọng cho rằng, kinh tế Mỹ đang tồn tại nhiều vấn đề. Tuy nhiên, phương thức và biện pháp xử lý của Tổng thống Mỹ Donald Trump là không hợp lý, phát động “chiến tranh thương mại” không bao giờ là liều thuốc có thể trị dứt điểm vấn đề  kinh tế của nước Mỹ.  

Ông Đới Tương Long – nguyên Thống đốc ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cho rằng, “chiến tranh thương mại” sẽ đem đến bất lợi cho cả hai nước, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến Trung Quốc mà còn gây hậu quả liên đới đến các nước xung quanh.

Trung – Mỹ là hai nền kinh tế có mức độ liên quan tương đối lớn, chỉ có con đường đàm phán mới giải quyết được các cọ xát thương  mại giữa hai nước. Ông Lưu Vĩnh Hảo, chủ tịch tập đoàn Xin Xiwang, một tập đoàn chuyên về đầu tư nông nghiệp của Trung Quốc bày tỏ mong muốn, Trung - Mỹ sẽ đàm phán, tránh để xảy ra chiến tranh thương mại.

"Tôi cho rằng, Trung Quốc đã có những phương án chuẩn bị, tuy nhiên là một doanh nghiệp tôi cũng mong muốn hai bên có thể đàm phán, tuân thủ quy định của WTO, tránh để xảy ra chiến tranh thương mại, để chúng tôi yên tâm làm ăn", ông Lưu Vĩnh Hảo nói.

Ông Lí Bảo Đông - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc  -Tổng Thư ký mới của diễn đàn Bác Ngao.

Cũng trong ngày hôm nay, nguyên Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, ông Ban Ki-moon đã được bầu là chủ tịch mới của Diễn đàn Bác Ngao. Thứ trưởng Bộ ngoại giao Trung Quốc Lí Bảo Đông được bầu giữ chức Tổng thư ký của diễn đàn./.