Một loạt các cuộc tuần hành quy mô đã được tổ chức trên khắp đất nước Hàn Quốc và ở một số quốc gia trên thế giới trong ngày hôm nay (14/8). Sự kiện được dư luận quốc tế đặc biệt quan tâm, bởi nó diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Hàn Quốc và Nhật Bản đang gia tăng.
Hình tượng phụ nữ mua vui trong Chiến tranh thế giới 2. Ảnh: Japan Times |
Giữa cái nắng nóng gay gắt, 12h trưa 14/8 (theo giờ địa phương), khoảng 20.000 người dân Hàn Quốc, bao gồm cả các nhà hoạt động và sinh viên, đã đổ dồn về trụ sở cũ Đại sứ quán Nhật Bản tại thủ đô Seoul. Đây là cuộc biểu tình thứ Tư hàng tuần lần thứ 1.400 tại Hàn Quốc, trong 27 năm qua, tính từ ngày 8/1/1992, nhằm kêu gọi giải quyết dứt điểm vấn đề phụ nữ Hàn Quốc bị ép mua vui cho lính Nhật thời chiến.
Theo giới chức Hàn Quốc, cuộc biểu tình hôm nay cũng diễn ra tại nhiều thành phố của Hàn Quốc và 21 thành phố khác ở 9 quốc gia trên thế giới bao gồm Nhật Bản, Anh, Australia và New Zealand…
Điều đặc biệt, “Cuộc biểu tình thứ Tư hàng tuần” tại Hàn Quốc tuần này diễn ra đúng vào ngày 14/8 - ngày được Hàn Quốc chọn để tưởng nhớ những phụ nữ bị ép buộc mua vui cho binh sĩ Nhật Bản thời chiến, ghi nhận dấu mốc cụ bà Kim Hak-sun - một nạn nhân bị cưỡng ép làm nô lệ tình dục, đứng ra làm chứng về sự thật lịch sử này trong một buổi họp báo vào ngày 14/8/1991. Đây là năm thứ hai Hàn Quốc tổ chức sự kiện kỷ niệm này.
Theo hãng thông tấn Yonhap, buổi lễ kỷ niệm năm nay được tổ chức tại Bảo tàng và thư viện Kim Koo ở trung tâm Seoul, với sự tham dự của khoảng 300 người gồm các nạn nhân, đại diện tổ chức dân sự và quan chức Chính phủ Hàn Quốc, trong đó có Bộ trưởng Bình đẳng giới và Gia đình Jin Sun Mee.
Nhân ngày này, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in khẳng định, chính phủ của ông sẽ tăng cường nỗ lực nâng cao nhận thức của cộng đồng quốc tế đối với vấn đề “phụ nữ mua vui”.
Ngày tưởng nhớ “phụ nữ mua vui” năm nay thu hút sự chú ý của dư luận thế giới, trong bối cảnh căng thẳng giữa Hàn Quốc và Nhật Bản leo thang sau khi Tokyo hạn chế xuất khẩu sang Hàn Quốc 3 loại vật liệu công nghệ cao, cũng như loại Hàn Quốc ra khỏi "Danh sách Trắng" các đối tác được hưởng ưu đãi thương mại.
Seoul đã chỉ trích động thái này là sự trả đũa của Nhật Bản đối với các phán quyết của tòa án Hàn Quốc yêu cầu các công ty Nhật Bản bồi thường cho các nạn nhân bị cưỡng bức lao động trong thời kỳ Nhật Bản đô hộ Bán đảo Triều Tiên (từ năm 1910-1945).
Để đáp trả Nhật Bản, hai ngày trước, Hàn Quốc cũng tuyên bố loại Tokyo khỏi danh sách Trắng các đối tác được hưởng ưu đãi thương mại của nước này.
Liên quan vấn đề này, hãng thông tấn Kyodo ngày 14/8 đưa tin Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Takeo Akiba và người đồng cấp Hàn Quốc Cho Se-young dự kiến gặp nhau trong tuần này, để thảo luận thêm về vấn đề cưỡng bức lao động. Kyodo dẫn một số nguồn tin cho biết hai bên khả năng sẽ gặp nhau ở Guam trong 2 ngày 16-17/8 tới./.