Thông báo về sự xuất hiện của cúm gia cầm được phát đi sau khi Hội đồng Nghiên cứu Nông nghiệp Ấn Độ và Viện Quốc gia về Dịch bệnh truyền nhiễm trên động vật khẳng định các mẫu vật chim hoang dã thu được đã dương tính với chủng virus cúm.

Theo đó, tại bang Rajasthan, Madhya Pradesh và Himachal Pradesh, virus cúm gia cầm được phát hiện trên đàn chim hoang dã, cụ thể là trên quạ. Trong khi đó, tại bang Kerala, các đàn vịt nuôi tại 2 quận được cho là đã nhiễm virus, trong đó 12.000 con vịt đã chết hàng loạt.

Ngày 1/1, bộ Thủy sản, Chăn nuôi và Nghề sữa Ấn Độ đã đưa ra các khuyến cáo với các bang sớm thực hiện các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh lây lan trên cơ sở Chương trình Hành động Quốc gia về cúm gia cầm. Tiếp đó, ngày 5/1, bang Himachal Pradesh được chỉ đạo thực hiện ngay các biện pháp nhằm tránh để virus lây sang đàn gia cầm nuôi.

Tới ngày 6/1, bang Kerala bắt đầu triển khai tiêu hủy 40.000 con gia cầm để ngăn chặn dịch lây lan. Bang này đã tuyên bố tình trạng thảm họa cấp bang và nâng mức cảnh báo lên cao.

Tại bang Himachal Pradesh, ngay sau khi xuất hiện hiện tượng chim di cư chết hàng loạt, chính quyền bang đã ra lệnh cấm buôn bán trứng gia cầm trong vòng bán kính 10km xung quanh khu vực xuất hiện dịch. Các chợ gia cầm nằm trong khu vực cũng buộc phải đóng cửa. Chính phủ Ấn Độ khuyến cáo các bang cần liên hệ ngay với cơ quan lâm nghiệp để cập nhật các trường hợp chim tự nhiên chết bất thường và có các biện pháp khoanh vùng dập dịch kịp thời.

Chủng virus cúm gia cầm xuất hiện tại Ấn Độ là H5N8, bắt nguồn từ chim di cư. Ấn Độ ghi nhận đợt dịch cúm gia cầm đầu tiên vào năm 2006. Tuy nhiên, nước này chưa ghi nhận trường hợp virus cúm gia cầm lây sang người./.