Các đảng hoặc liên minh cần đạt 112 ghế tại quốc hội để đủ đại đa số. Năm nay, liên minh cầm quyền Mặt trận Quốc gia (BN - Barisan Nasional) của Thủ tướng Najib Razak và liên minh đối lập Liên minh Hi vọng (PH - Pakatan Harapan) của cựu Thủ tướng Mahathir Mohamad sẽ là những đối thủ cạnh tranh chính.

vov_bau_cu_lryz.jpg
Đường phố tại Kuala Lumpur trong ngày chuẩn bị bầu cử.

Năm nay, cựu Thủ tướng Mahathir Mohamad bất ngờ quay trở lại chính trường ở tuổi 92 và trở thành người đứng đầu cho liên minh đối lập. Trước đó, ông Mahathir cũng là thành viên của liên minh cầm quyền Mặt trận quốc gia và lãnh đạo Malaysia trong vòng 22 năm.

Việc cựu Thủ tướng Mahathir Mohamad quay trở lại chính trường trong vai trò đứng đầu phe đối lập đem lại một sự khó khăn trong việc lựa chọn của các cử tri Malaysia. Ông được đánh giá là người duy nhất có khả năng đối trọng với Thủ tướng Najib Razak trong cuộc bầu cử này.

Giới phân tích nhận định, chính phủ đương nhiệm của ông Najib Razak sẽ giành chiến thắng nhờ những chính sách hỗ trợ cho người dân, đặc biệt là người nghèo trong hoàn cảnh sự phát triển về kinh tế của Malaysia không tốt trong những năm vừa qua. Tuy nhiên ông cũng sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn với những cáo buộc lạm quyền và tham nhũng.

Các thành viên của Liên minh Mặt trận quốc gia hoàn tất những khâu chuẩn bị cuối cùng.

Ông Najib Razak đã đưa ra khá nhiều động thái nhằm giành lợi thế trong cuộc bầu cử lần thứ 14 này. Như hồi tháng 4, dù  nhiệm kỳ 5 năm của ông tới ngày 24/6 mới kết thúc nhưng theo luật ở Malaysia, ông đã tuyên bố giải tán Quốc hội và tổ chức bầu cử sớm. Phương thức này được cho là nhằm đảm bảo một chiến thắng cho liên minh của ông. Ngoài ra, Quốc hội Malaysia với đa số thành viên thuộc liên mình cầm quyền đã thông qua quyết định phân bổ lại các khu vực bầu cử.

Trong khi đó, cựu Thủ tướng Mahathir Mohamad đưa ra thông điệp sẽ ngăn chặn các khoản đầu tư khổng lồ từ Trung Quốc mà chính phủ đương nhiệm đang tiến hành. Theo chính trị gia 92 tuổi này thì ông bất bình đối với các dự án mà Trung Quốc hậu thuẫn tại Malaysia trị giá hàng chục tỷ USD. Tuyên bố trên truyền thông quốc tế gần đây, vị lãnh đạo đối lập cho biết ông sẽ rà soát lại các dự án liên quan tới Trung Quốc nếu thắng cử.

Những cử tri của Malaysia, đặc biệt là những người trẻ tuổi thì hy vọng vào cuộc bầu cử nhằm bầu ra một chính phủ mới có thể hỗ trợ được người dân tốt hơn.

Chị Nauwar Shukri, ở Petaling Jaya, Selangor cho biết: “Hiện tại mức sống tại Malaysia là quá cao, tôi hy vọng chính phủ mới sẽ giúp cải thiện mức sống cho người dân cũng như tạo thêm công ăn việc làm, đặc biệt là cho những người trẻ. Hiện tại, người trẻ tập trung nhiều tại Kuala Lumpur và mức sống ở đây rất cao và mọi thứ rất đắt đỏ, đó là những khó khăn mà chúng tôi phải đối mặt, tôi hy vọng mọi thứ sẽ được cải thiện”.

Trong ngày vận động tranh cử cuối cùng, các đảng và liên minh tại Malaysia đều đã hoàn thành công tác chuẩn bị của mình để sẵn sàng cho ngày mai. Ông Tse Liang, một thành viên của BN nói: “Ngày mai chúng tôi đã chuẩn bị rất nhiều như việc đưa đón những cử tri đặc biệt, những người ủng hộ chúng tôi tới địa điểm bỏ phiếu, cung cấp đồ ăn, nước uống cho họ, các công việc sẽ được tiến hành ngay từ buổi sáng sớm vì chúng tôi lo lắng buổi chiều trời có thể mưa và cử tri sẽ đi bầu ít hơn”.

Ngoài hai liên minh mà đứng đầu là hai chính trị gia lão luyện và có nhiều uy tín tại Malaysia là Mặt trận dân tộc và Liên Minh hy vọng, một thế lực thứ ba tuy không chính thức nhưng cũng được cho sẽ tạo ra bất ngờ trong cuộc bầu cử lần này là PAS (Đảng Hồi giáo liên Malaysia). Đảng này nhận được sự ủng hộ của không ít người theo đạo Hồi ở Malaysia.

Ông Nurul Islam Mohamed Yusoff, một trong những lãnh đạo trẻ (sinh năm 1983) của đảng Hồi giáo PAS cho biết, sở dĩ PAS tách ra khỏi liên minh với PH trở thành thế lực riêng là vì trong liên minh trước đây với PH, nhiều quyết định được đưa ra mà không tôn trọng ý kiến của PAS. Hơn nữa việc tách ra cũng giúp họ quyết định được nơi nào có lợi thể để vận động giành ghế trong cuộc tổng tuyển cử lần thứ 14 này chứ không chờ quyết định phân bổ của liên minh.

Ông Nurul Islam Mohamed Yusoff cho biết: “Chúng tôi đặt mục tiêu rõ ràng: đạt ít nhất 40 ghế trong tổng số 222 ghế ở Quốc hội để có thể chủ động thương lượng với một trong hai liên minh thắng chiếm đa số. Thậm chí nếu chúng tôi đạt hơn con số này, sẽ giành quyền chủ động liên minh với các đảng thành viên có nhiều ghế trong Quốc hội thuộc một trong hai liên minh BN hoặc PH để thành lập chính phủ”. Con số này đã cao hơn khá nhiều so với số ghế mà PAS có được trong kỳ bầu cử lần thứ 13 (năm 2013).

Các lá phiếu của cử tri Malaysia bỏ vào ngày mai dù kết quả có như thế nào đi chăng nữa thì chắc chắn nguyện vọng của người dân nước này đều muốn chính phủ mới có thể cải thiện cuộc sống của người dân, tạo thêm công ăn, việc làm cũng như phát triển xã hội./.