Điều này cho thấy việc đạt được thỏa thuận – dù ai cũng biết là cần thiết và sống còn, không thể trì hoãn- song cũng không dễ dàng.

cop_21_phat_jmmg.jpg
Bộ trưởng Cao Đức Phát tại COP21.

Việc đạt được một thỏa thuận làm thỏa mãn các tính toán lợi ích của 196 thành viên của Công ước khung của LHQ là điều rất khó khăn, nếu không nói là không thể nếu các quốc gia không chấp nhận nhượng bộ lẫn nhau. Nói như khẩu hiệu của nước chủ nhà Pháp rằng 7 tỷ con người nhưng chỉ có một hành tinh; hay như Tổng thư ký LHQ luôn nhấn mạnh rằng các thảm họa của biến đổi khí hậu không phân biệt các đường biên giới và kêu gọi các nước hãy hành động vìlợi ích chungtoàn cầu.Trong phòng nghị sự, các cuộc thương lượng vẫn diễn ra căng thẳng, thậm chí thâu đêm, nhằm thông qua được một thỏa thuận lịch sử cho vấn đề biến đổi khí hậu. Bên ngoài phòng họp, các hoạt động và sáng kiến vẫn liên tục được các tổ chức dân sự, giới doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ đưa ra.

Mặc dù đã đạt những bước tiến lớn trong cuộc chạy nước rút những ngày qua, song bản Dự thảo thỏa thuận Paris vẫn còn nhiều điều tranh cãi, chủ yếu xoay quanh 3 vấn đề lớn là phân chia trách nhiệm giữa các nước phát triển và đang phát triển; vấn đề huy động nguồn tài chính cần thiết chống biến đổi khí hậu (dự kiến cần 100 tỷ USD đến năm 2020) và vấn đề mục tiêu của thỏa thuận (phấn đấu mức tăng nhiệt trái đất dưới 2 độ C hay 1.5 độ C hay dưới 1.5 độ C).

Phải nói rằng bản Dự thảo mà nước chủ nhà Pháp đưa ra có nhiều điểm tham vọng, nói như một số chuyên gia rằng đây như một canh bạc với nước chủ nhà Pháp. Có điểm mới đáng chú ý là Dự thảo thỏa thuận nêu việc cho phép các nước đang phát triển có thể đạt ngưỡng khí thải theo cam kết chậm hơn so với các nước công nghiệp phát triển; có thể là năm 2023 thay vì 2020; hay thậm chí có yêu cầu đẩy lên năm 2025. Về nguồn huy động tài chính, thỏa thuận cho rằng các nước phát triển phải đạt cam kết ít nhất 100 tỷ USD hỗ trợ cho các nước đang phát triển.

Nhiều tổ chức phi chính phủ, các nhóm hoạt động vì môi trường liên tục có các hoạt động kêu gọi tôn trọng “Công lý khí hậu” và vượt qua những tính toán lợi ích chính trị riêng biệt. Nhiều ý kiến rất khác nhau về kỳ vọng đối với hội  nghị.

Một nhà khoa học của Viện nghiên cứu môi trường CH Séc cho biết: “Chúng ta biết rất rõ ràng đây không phải một hội thảo khoa học mà là một cuộc gặp mang tính chính trị. Chúng ta đều mừng rằng mọi  người đều nhận thức là cần phải có một thỏa thuận để ngăn chặn tình trạng nóng lên của trái đất. Tuy nhiên, có nhiều tranh cãi phức tạp bởi các tính toán lợi ích khác biệt, có những khác nhau trong mức phát triển, mức ảnh hưởng của các nước phương Bắc và phương Nam…Vì thế, chúng ta khó có thể hy vọng một kết quả tuyệt hảo bởi vấn đề rất phức tạp và khó có thể dung hòa được hết. Chưa nói là sau khi đạt được thỏa thuận rồi thì phải làm sao giám sát việc thực hiện hay có những tài chế thế nào để buộc các nước phải tuân thủ.”

Anh Mondano, một nhà hoạt động vì môi trường đấu tranh cho tình trạng thiếu nước sinh hoạt ở nhiều nơi trên thế giới cho biết: “Tôi không tin lắm vào những gì diễn ra ở đây thỏa thuận có đạt được hay không thì chuyện quan trọng là triển khai thế nào, có tôn trọng và có sự ràng buộc hay không. Tôi không tin là các nhà lãnh đạo trên thế giới sẽ tôn trọng những gì họ đã ký, chúng tôi vẫn tiếp tục đấu tranh vì chúng tôi đã chứng kiến những thảm họa khủng khiếp, ở những nơi mọi người không có nước để sinh sống.”

Tuy nhiên, nhìn một cách lạc quan, cho dù thỏa thuận được thông qua sẽ không tránh khỏi còn nhiều điều chưa như mong muốn, song COP 21 những ngày qua thực sự là sự tụ họp của các nỗ lực chung toàn cầu, với sự tham gia đông đảo chưa từng có của cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức dân sự  bên cạnh các đại diện quốc gia. Hàng nghìn sáng kiến và cam kết của các thành phố, các tổ chức…đã được đưa ra trong cuộc đấu tranh chung bảo vệ trái đất./.