15h ngày 9/12, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius, Chủ tịch COP 21 đã công bố dự thảo thỏa thuận mới được các bên thông qua. So với bản dự thảo ngày 5/12, bản dự thảo mới đã được rút ngắn đáng kể, từ 48 trang xuống còn 29 trang.
Ảnh minh họa AP |
Chốt được nhiều vấn đề dù vẫn còn tranh cãi
Quan trọng nhất, những phần “dấu móc”, tức các điều khoản còn gây tranh cãi đã được cắt giảm đến 3/4. Tuy nhiên, vẫn còn đến 366 mục gây tranh cãi, liên quan đến 47 điều khoản cần phải được tiếp tục thương lượng.
Về tổng thể, 3 chủ đề quan trọng nhất mà 196 bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung và vẫn đang đàm phán quyết liệt là: cách tính sự khác biệt giữa các nước phát triển và đang phát triển (Bắc/Nam); vấn đề huy động tài chính; mức độ tham vọng của thỏa thuận cuối cùng.
Các bên đang bằng mọi cách đàm phán, mặc cả, nhân nhượng để có thể thông qua một thỏa thuận mới có tính lịch sử trước 18h ngày 11/12, tức thời điểm kết thúc Hội nghị thượng đỉnh COP 21.
Đối với vướng mắc đầu tiên, là sự khác biệt Bắc/Nam về trách nhiệm. Có một thực tế là các nước nghèo, kém phát triển (phương Nam) lại là những nước chịu thiệt hại nặng nhất của tình trạng biến đổi khí hậu trong khi các nước giàu có phương Bắc là thủ phạm chính gây hiệu ứng nhà kính nhưng lại chịu ít thiệt hại hơn.
Vì lí do đó, rất nhiều nước phương Nam đã yêu cầu các nước lớn phải gánh phần trách nhiệm lớn hơn trong các ràng buộc mà thỏa thuận mới đưa ra. Nhưng lớn hơn đến mức độ nào thì đó lại là điều mà các bên chưa thể thống nhất và lượng hóa cụ thể được bằng con số.
Vấn đề thứ hai – huy động tài chính, được dự báo từ trước khi khai mạc COP 21 là có thể sẽ là nguyên nhân dẫn đến thất bại của Hội nghị, đang có những bước tiến, dù khó khăn.
Có mặt tại Paris trong tuần thứ hai của COP 21, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết nước này sẽ tăng gấp đôi đóng góp cho các chương trình trợ giúp các nước nghèo chống lại tác động của biến đổi khí hậu, với số tiền 860 triệu USD. “Chúng tôi sẽ không để các nước dễ tổn thương nhất phải đương đầu một mình với cơn bão” – ông Kerry tuyên bố.
Tuy nhiên, con số 860 triệu USD này vẫn là rất nhỏ so với mục tiêu của các nước là phải huy động được 100 tỷ USD đến năm 2020 nhằm trợ giúp các nước bị ảnh hưởng nặng nhất của biến đổi khí hậu.
Cuối cùng, chủ đề lớn gây tranh cãi nhất trong dự thảo thỏa thuận là mức độ tham vọng mà các bên đưa ra, cụ thể là ở mức tăng nhiệt độ trái đất vào thời điểm cuối thế kỷ 21 so với thời điểm tiền công nghiệp (1880).
Có 3 phương án được đưa ra cho thỏa thuận cuối: giữ mức nhiệt độ trái đất tăng thêm là 2 độ C; dưới 2 độ C và cố gắng phấn đấu đạt mức 1,5 độ C; dưới 1,5 độ C. 195 nước tham gia COP 21 đã tranh cãi và chia rẽ sâu sắc trong vấn đề này.
Các nước chịu ảnh hưởng nặng nhất cho rằng mức 2 độ C là quá cao và muốn thỏa thuận mới phải đặt ra tham vọng giảm mức độ tăng nhiệt xuống 1 độ C hoặc dưới 1,5 độ C. Trong khi đó, các nước công nghiệp phát triển, thải nhiều khí CO2 ra bầu khí quyển, như Australia, Canada… lại muốn duy trì ngưỡng 1,5 độ C.
Khó đạt được mục tiêu 2 độ C
Có mặt tại Bourget, hàng nghìn tổ chức phi chính phủ (NGO) đã biểu tình tại phòng họp toàn thể để phản đối một dự thảo thỏa thuận mà theo họ là “quá ít tham vọng”, và gần như không có thay đổi gì trong phần liên quan đến các thách thức lớn.
“Cảm tưởng của chúng tôi là hầu như tất cả những gì cần thiết cho một thỏa thuận tham vọng và công bằng đều đang bị treo” – Jennifer Morgan, đến từ World Resources Institut (Mỹ) nhận xét.
Theo phân tích của nhiều chuyên gia, đến thời điểm này có thể nhận định là COP 21 sẽ khó có thể đưa mức 2 độ C vào thỏa thuận, khi sự phản đối đến từ các bên tham gia, đặc biệt là các tổ chức dân sự, quyết liệt hơn nhiều so với dự tính ban đầu.
Những tổ chức dân sự, các NGO này là những điểm sáng lạc quan nhất của COP 21 sau hơn 10 ngày hội họp và đàm phán căng thẳng tại Bourget. Theo thông báo của Bộ trưởng Sinh thái Pháp, Segolene Royal thì đã có “hơn 70 sáng kiến lớn thu hút được sự tham gia của hơn 10.000 người từ 180 nước trên thế giới. Gần 7.000 cam kết cụ thể được đưa ra, 1,24 tỷ người, tương đương 17% dân số thế giới, tham gia các cam kết và hơn 2.000 công ty lớn cũng tham gia cuộc đấu tranh chống biến đổi khí hậu”.
Trong số những cam kết lớn, có thể kể ra 10 tỷ USD được dành cho Sáng kiến châu Phi về năng lượng tái tạo, giai đoạn 2015-2020, hay việc hơn 700 thị trưởng các thành phố lớn trên khắp thế giới tụ họp ở Paris và cam kết giảm 3,7 gigaton lượng khí thải CO2 ra bầu khí quyển từ nay cho đến 2030 và tiến tới sử dụng 100% năng lượng xanh vào năm 2050.
Sự cam kết và hành động mạnh mẽ của các tổ chức dân sự này được cho có thể là chìa khóa thúc đẩy các bên tham dự COP 21 tìm ra được tiếng nói chung vào ngày cuối cùng của Hội nghị và ra được bản thỏa thuận mà theo đánh giá của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry thì “nếu không làm được thì sẽ là sai lầm tồi tệ nhất trong lịch sử”./.