>>Hy vọng ở thỏa thuận cuối cùng tại COP 15

Hàng loạt nhà lãnh đạo các nước lớn trên thế giới như Brazil, Đức, Pháp...  đã phát biểu tại Hội nghị Copenhagen. Với giọng điệu quyết tâm thường thấy trước Hội nghị thượng đỉnh tại Đan Mạch, Tổng thống Pháp Sarkozy đã kêu gọi các nước lớn tận dụng khoảng thời gian ít ỏi còn lại để thảo luận nghiêm túc nhằm tiến tới một văn bản có sự thoả hiệp của các bên ngay vào ngày kết thúc hội nghị. “Hội nghị thượng đỉnh tại Copenhagen không thể là một sự nối tiếp những bài phát biểu không bao giờ ăn nhập với nhau. Chúng ta không ở đây để tham gia một hội thảo về biến đổi khí hậu mà là để đưa ra những quyết định”, Tổng thống Sarkozy nói.

Một số dấu hiệu tích cực bắt đầu xuất hiện ngày 17/12 khi cả Mỹ và Trung Quốc đều có những nhượng bộ. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton thông báo, cùng các nước phát triển khác, Mỹ sẵn sàng đóng góp vào quỹ 100 tỷ USD mỗi năm trong 3 năm nhằm hỗ trợ các nước đang phát triển đối phó với biến đổi khí hậu. Điều kiện mà Mỹ đặt ra là các nước phải ký thoả thuận thành lập một cơ chế kiểm soát việc thực hiện các cam kết giảm thiểu khí thải trên thế giới. Về phần mình, Trung Quốc tuyên bố sẵn sàng cung cấp thông tin về những biện pháp kiểm soát khí thải mà nước này thực hiện trong tương lai.

Tại Hội nghị ngày 17/12, câu nói “Nếu khí hậu là một ngân hàng, các nước giàu có thể đã ra tay cứu vớt” của Tổng thống Venezuela Hugo Chavez đôi khi vẫn được nhắc lại. Câu nói này nhắc nhở các nước lớn chứng tỏ thiện chí chính trị của mình, nhất là trong ngày cuối hội nghị. Ngay cả Thủ tướng Anh Gordon Brown ngày 17/12 cũng thừa nhận, nếu có đủ tiền để cứu các ngân hàng, thì việc huy động tài chính để cứu tương lai Trái đất hoàn toàn có thể làm được./.