Mới đây một bài hát có tựa đề “Trade war” (Chiến tranh thương mại, hay tạm dịch là Thương Chiến cho phù hợp với lời ca khúc-ND), được lan truyền chóng mặt trên kênh WeChat của Trung Quốc, với hơn 100.000 lượt người nghe xem.

trung_2_vxyv.jpg
Bài hát được đặt theo giai điệu của một bài hát thời kỳ chiến tranh chống phát xít Nhật làn truyền trên mạng xã hội Trung Quốc (Ảnh: Daily Mail).

Bài hát được mở đầu bằng một điệp khúc "Thương Chiến! Thương Chiến! Không sợ thử thách! Không sợ thử thách! Một cuộc chiến thương mại đang diễn ra xuyên Thái Bình Dương!"

Lời bài hát cũng có đoạn: "nếu đối thủ muốn đánh nhau, chúng ta sẽ đánh cho hắn tơi bời".

Báo Mỹ The Hill bình luận, bài hát được đặt theo giai điệu của một bài hát thời kỳ chiến tranh chống phát xít Nhật trong bộ phim "Chiến tranh địa đạo” năm 1960 của Trung Quốc, cho thấy tư tưởng chống Mỹ đang ngày càng gia tăng ở Trung Quốc.

Tác giả lời bài hát, ông Zhao Liangtian trả lời phỏng vấn của Bloomberg cho biết, ông chọn giai điệu trong bộ phim “Cuộc chiến địa đạo" vì nó gợi nhớ đến “tình huống tương tự mà Trung Quốc đang phải đối mặt".

"Kể từ khi chiến tranh thương mại nổ ra, tôi thấy thôi thúc phải làm gì đó", ông nói thêm.

Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung chính thức “khai hỏa” từ tháng 6/2018, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt mức thuế 25% đối với một số hàng hóa trị giá 50 tỷ USD của Trung Quốc.

Căng thẳng gia tăng khi đầu tháng 5, Tổng thống Mỹ tuyên bố quyết định tăng thuế từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc từ ngày 10/5. Bắc Kinh cũng đã ra đòn đáp trả với thông báo ngày 13/5 áp mức thuế mới lên 60 tỷ USD hàng hóa Mỹ. Vòng đàm phán thương mại Mỹ-Trung lần thứ 11 vừa diễn ra hôm 10/5 tại Mỹ đã kết thúc mà không đạt được thỏa thuận nào.

Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khi 2 nhà lãnh đạo đều có tuyên bố cứng rắn (Ảnh: AP).

Theo Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc, bài hát “Trade war” chỉ do một người dân hưu trí sản xuất đã nhanh chóng đạt được con số hơn 100.000 lượt xem trên WeChat là một trong nhiều chỉ dấu về tư tưởng chống Mỹ trên mạng xã hội Trung Quốc khi các cuộc đàm phán thương mại đi vào bế tắc.

Liên đoàn Thanh niên Cộng sản tỉnh Quảng Đông cũng đưa lên mạng xã hội WeChat lời kêu gọi người dân Trung Quốc ăn nhiều cá rô phi - một loại cá nuôi hiện đang chịu mức thuế cao của Mỹ.

Ngành công nghiệp giải trí chính thức của Trung Quốc cũng bị cuốn vào cuộc chiến.

Kênh phim truyền hình Trung ương Trung Quốc hôm 16/5 đã thay đổi lịch phát trực tiếp thảm đỏ của Tuần phim châu Á sang một bộ phim tuyên truyền cũ có tên Những con trai và con gái anh hùng, nói về xung đột Trung - Mỹ trong Chiến tranh Triều Tiên. Sau đó kênh truyền hình này cũng chiếu liên tục bộ phim về Chiến tranh Triều Tiên hằng đêm.

Một bộ phim truyền hình có tên Over the Sea I Come to You (tạm dịch là: Vượt đại dương Cha đến với con-ND), kể về câu chuyện một người cha đi cùng con trai sang Mỹ du học, được lên chương trình công chiếu trên kênh Truyền hình Chiết Giang và một số nơi khác từ 19/5, đã bị thay thế bằng phim khác vào phút chót.

Ảnh giới thiệu bộ phim Heroic Sons and Daughters (tạm dịch: Những người con trai và con gái anh hùng) (Ảnh: CCTV).

Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, một số sản phẩm văn hóa Mỹ vẫn được lưu hành. Bộ phim bom tấn trên toàn thế giới “Avengers: Endgame” (Những kẻ báo thù: Hồi kết) vẫn được ra rạp và là bộ phim có doanh thu cao thứ ba trong lịch sử phòng vé Trung Quốc.

Một thông báo chính thức cho biết, từ nay (20/5) đến hết năm, hằng ngày vào lúc 7h sáng, các đài phát thanh và truyền hình Trung Quốc đều sẽ phát quốc ca.

Yêu cầu này chỉ là một phần nhỏ trong chương trình giáo dục lòng yêu nước, do Ủy ban Trung ương Đảng và Hội đồng Nhà nước chỉ đạo, nhân dịp kỷ niệm 70 năm Quốc khánh nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (1949-2019).

Các chương trình khác bao gồm việc treo quốc kỳ Trung Quốc vào ngày Quốc khánh 1/10 và tổ chức cho thanh thiếu niên tham gia các trại hè theo chủ đề cách mạng.

Zhao, tác giả lời bài hát “Trade war” là một viên chức đã nghỉ hưu ở tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc.

Ông Zhao đã viết lời bài hát từ năm ngoái và lưu hành chúng trên mạng, nhưng không được chú ý cho đến khi các cuộc đàm phán thương mại rơi vào bế tắc.

Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế quan mới lên hàng hóa Trung Quốc vào đầu tháng này, Zhao cảm thấy chính phủ Trung Quốc đã thay đổi thái độ. Ông đã tự trả 1.600 nhân dân tệ (tương đương 232 USD) bằng 1/3 tiền lương hưu hàng tháng của mình, để sản xuất bài hát.

“Tôi đã nhận được nhiều cuộc gọi điện thoại trong những ngày qua từ mọi người để thể hiện sự ủng hộ bài hát của tôi”, ông Zhao nói./.