Cộng đồng quốc tế đang quan tâm tới các vụ đánh bom liên tiếp gây thương vong cao tại Yemen. Hôm qua (10/10), Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và Liên minh châu Âu đã đồng loạt lên án các vụ đánh bom đẫm máu xảy ra tại nước này, đồng thời khẳng định cam kết ủng hộ Yemen trong cuộc chiến chống khủng bố.

Trong một tuyên bố đưa ra hôm qua, Cơ quan Hành động đối ngoại châu Âu (EEAS) đã sử dụng những ngôn từ mạnh mẽ nhất lên án các vụ đánh bom khủng bố xảy ra gần đây tại Yemen. Cơ quan Hành động đối ngoại châu Âu cũng nhấn mạnh, an ninh là điều kiện tiên quyết cho sự thành công của tiến trình chuyển tiếp tại Yemen.

Cơ quan Hành động đối ngoại châu Âu cũng tái khẳng định cam kết của Liên minh châu Âu hỗ trợ quá trình chuyển tiếp tại Yemen, đồng thời kêu gọi các bên tiếp tục nỗ lực thực thi thỏa thuận hòa bình đã ký.

Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cùng ngày cũng đã lên án các vụ tấn công xảy ra gần đây tại Yemen.

Trong một tuyên bố của Hội đồng Bảo an đưa ra sau cuộc họp kín, bà Maria Cristina Perceval, đại sứ Argentina tại Liên Hợp Quốc và là Chủ tịch Hội đồng Bảo an tháng này nhấn mạnh: “Các thành viên Hội đồng Bảo an kịch liệt lên án các vụ đánh bom tại Yemen hôm 9/10 vừa qua làm nhiều người thiệt mạng, trong đó có cả trẻ em. Hội đồng Bảo an cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc và bày tỏ chia buồn với gia đình và bạn bè các nạn nhân. Hội đồng Bảo an tái khẳng định, các hoạt động khủng bố dưới mọi hình thức đều cấu thành nguy cơ đối với hòa bình và an ninh quốc tế. Bất cứ hành động khủng bố nào cũng đều là tội ác và bất hợp pháp, bất kể là động cơ gì và ai là người thực hiện hành vi này.”

Liên tiếp trong những ngày qua, thủ đô Sana và nhiều thành phố khác của Yemen xảy ra các vụ đánh bom khủng bố làm nhiều người thiệt mạng. Nghiêm trọng nhất là vụ đánh bom đẫm máu nhằm vào lực lượng nổi dậy Hồi giáo Huthi tại quảng trường Al-Tahrir ở thủ đô Sana hôm 9/10 vừa qua làm ít nhất 47 người thiệt mạng, hàng chục người khác bị thương.

Bạo lực bùng phát tại Yemen từ tháng 8 vừa qua sau nhiều tuần diễn ra các cuộc biểu tình ngồi của người Huthi đòi giải tán chính phủ với cáo buộc tham nhũng và đòi giảm giá nhiên liệu. Tình trạng xung đột đã khiến hàng nghìn người phải rời bỏ nhà cửa, hơn 400 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương./.