Các phong trào kháng chiến, các hiệp hội, các hội chuyên gia Sudan đã kêu gọi ngày thứ Bảy (13/11) sẽ là một ngày cách mạng khi hàng triệu người sẽ tuần hành để phản đối việc quân đội đảo chính. Tuyên bố kêu gọi tất cả mọi người trong và ngoài Sudan tham gia tích cực vào đoàn người biểu tình. Đây có thể sẽ là cuộc biểu tình quy mô lớn nhất trong hai tuần qua để phản đối sự lãnh đạo của lực lượng quân đội, trong khi chỉ huy quân đội Sudan ông Al-Burhan nhiều lần cam kết chuyển đổi dân chủ và đang trong quá trình lựa chọn một thủ tướng để thành lập một chính phủ năng lực, không đảng phái.

Trước đó ông Al-Burhan đã thành lập Hội đồng chuyển tiếp mới bao gồm 13 thành viên, 9 người là thành viên của hội đồng trước đó, bao gồm 5 sĩ quan quân đội cấp cao. Tuy nhiên, các cuộc biểu tình phản đối vẫn tiếp diễn và yêu cầu thành lập chính phủ dân sự.

Dư luận quốc tế bày tỏ sự lo ngại về những diễn biến gần đây ở Sudan. Đặc phái viên của Liên Hợp Quốc về Sudan, ông Volker Perthes coi việc quân đội bổ nhiệm một Hội đồng chủ quyền mới khiến cho tình hình Sudan thêm khó khăn, đồng thời kêu gọi quân đội cho phép các cuộc biểu tình ôn hòa vào thứ Bảy. Liên Hợp Quốc cũng mô tả những diễn biến gần đây ở Sudan là cực kỳ đáng lo ngại và bày tỏ hy vọng rằng quá trình chuyển đổi dân chủ sẽ quay trở lại càng sớm càng tốt.

Liên minh châu Âu kêu gọi nhà chức trách Sudan trả tự do ngay lập tức cho tất cả những người bị bắt giữ kể từ ngày 25/10 vừa qua. Một tuyên bố của Mỹ, Anh, Na Uy, Thụy Sĩ, châu Âu cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc về việc công bố một hội đồng chủ quyền mới ở Sudan. Tuyên bố kêu gọi Thủ tướng Abdullah Hamdok và chính phủ chuyển tiếp trở lại nắm quyền, nhấn mạnh rằng việc tuyên bố thành lập một hội đồng chủ quyền mới ở Sudan là một biện pháp đơn phương làm xói mòn cam kết đối với khuôn khổ chuyển tiếp./.