Hôm 21/8, tàu khu trục Mỹ va chạm với tàu chở dầu ở vùng biển ngoài khơi Singapore làm 10 thủy thủ mất tích và 5 người khác bị thương. Đây là lần thứ 2 trong vòng 3 tháng một chiến hạm Mỹ gặp nạn ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương sau vụ USS Fitzgerald bị tàu hàng Philippines đâm thủng.
Tàu khu trục USS John S. McCain bị hư hỏng sau vụ va chạm. Ảnh: Reuters. |
Đô đốc John Richardson, chỉ huy các hoạt động hải quân Mỹ trong một thông báo trên Twitter cá nhân cho biết, hải quân Mỹ sẽ thực hiện một cuộc rà soát toàn diện nhằm tìm ra nguyên nhân vụ tai nạn khiến 10 thủy thủ Mỹ mất tích và 5 người khác bị thương.
Theo News.com.au, cuộc điều tra cũng sẽ xem xét khả năng USS John S. McCain bị xâm nhập hoặc phá hoại bằng các hình thức tấn công mạng mặc dù "chưa có dầu hiệu nào ủng hộ giả thiết này".
Tuy nhiên, ông Itay Glick, nhà sáng lập công ty an ninh mạng Votiro cho rằng, việc cả USS McCain và USS Fitzgerald, hai chiến hạm của Hạm đội 7 cùng gặp phải những sự cố tương tự không phải là chuyện ngẫu nhiên.
"Tôi tin có sự liên hệ giữa hai sự kiện này", chuyên gia mạng từng có 7 năm làm việc trong cơ quan tình báo Israel nhận định và đặt ra những giả thuyết liên quan tới Nga và Trung Quốc.
"Trung Quốc có thể đứng sau vụ việc, họ có thể đang cố gắng làm điều gì đó", ông Itay nhận định. Theo ông này, có 2 cách để can thiệp vào hệ thống mạng trên tàu, bao gồm tấn công tín hiệu định vị toàn cầu GPS nhằm gây nhiễu loạn khả năng dẫn đường của tàu và tấn công vào mạng lưới máy tính để đưa ra các thông tin sai lệch khiến khu trục hạm của Mỹ không thể phát hiện tàu chở dầu.
Mặc dù vậy, một số chuyên gia mạng khác đã bác bỏ khả năng USS John S. McCain bị can thiệp vào hệ thống GPS bởi nếu vậy hàng chục, thậm chí hàng trăm con tàu nơi chiến hạm Mỹ gặp nạn cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, ông Glick dẫn ra một trường hợp từng xảy ra với khoảng 20 tàu hoạt động trên Biển Đen trong số nhiều tàu di chuyển trong khu vực này. Điều này khiến các chuyên gia cho rằng có khả năng những kẻ tấn công đã áp dụng một loại công nghệ can thiệp GPS có thể khoanh vùng các mục tiêu.Cận cảnh “thương tích” tàu chiến Mỹ sau cú đâm của tàu chở dầu
Đồng quan điểm với Glick, một số ý kiến nhận định những đối thủ của Mỹ có thể lợi dụng việc các hạm đội nước này lệ thuộc vào hệ thống GPS để phục vụ hoạt động dẫn đường để ra tay.
Cái tên được nêu ra trong trường hợp này là Triều Tiên bởi Bình Nhưỡng thường xuyên bị cáo buộc gây nhiễu tín hiệu GPS ở Hàn Quốc và nhiều lần can thiệp tới hệ thống dẫn đường của tàu thủy và máy bay.
Xét riêng với trường hợp của USS Fitzgerald, các kết quả điều tra ban đầu chưa cho thấy về khả năng một vụ tấn công mạng mà chỉ chỉ ra lỗi của con người. Tuy nhiên, theo Glick, trừ khi tàu chiến ở mức độ sẵn sàng cao, họ có thể dựa vào hệ thống máy tính để điều hướng chứ không phải bằng mắt người.
"Có một thực tế là đổ lỗi cho con người dễ dàng hơn so với việc xem xét khả năng xảy ra một cuộc tấn công mạng. Vụ va chạm mới đây càng củng cố thêm giả thiết đó. Điều này rõ ràng là có khả năng khi mà nó không phải là trường hợp đầu tiên", chuyên gia này kết luận./.