Cánh tay robot cũng sẽ bắt đầu thực hiện nhiệm vụ trên module mới, trở thành thiết bị robot đầu tiên phục vụ một phân đoạn quỹ đạo của Nga.
Theo kế hoạch, cánh tay robot châu Âu (ERA), do công ty hàng không Airbus chế tạo sẽ được phóng lên ISS vào ngày 15/7 cùng với module phòng thí nghiệm đa năng mới của Nga, được gọi là Nauka, bằng tên lửa Proton từ Sân bay vũ trụ Baikonur ở Kazakhstan.
Với hình dáng bên ngoài giống như một chiếc compa khổng lồ và dù chỉ nặng 630 kg nhờ cấu trúc nhôm và sợi carbon nhẹ, song cánh tay robot này có thể di chuyển và lắp đặt các bộ phận có khối lượng lên tới 8.000 kg với độ chính xác cao. Cánh tay robot được lập trình để thực hiện một số nhiệm vụ một cách tự động, nhưng cũng có thể được điều khiển từ xa bởi các phi hành gia cho dù họ đang ở bên trong hay bên ngoài trạm ISS.
Ông Andre Kuipers, phi hành gia của ESA cho biết: “Cánh tay robot này có thể thực hiện rất nhiều chức năng, thích hợp cho các nhiệm vụ khó khăn, nguy hiểm. Nó có thể giúp lắp đặt các thiết bị ngoài không gian như trên các module lớn. Nó cũng có thể di chuyển các thiết bị trọng tải lớn, hỗ trợ đắc lực cho các phi hành gia hoàn thành nhiệm vụ ngoài không gian. Nói chung, nó có thể làm được rất nhiều việc một cách hiệu quả.”
Nhiệm vụ đầu tiên của ERA sẽ là thiết lập khóa gió và lắp đặt bộ tản nhiệt bên trong module Nauka mới. Cánh tay robot có máy tính nội bộ riêng và có thể thực hiện các nhiệm vụ hoàn toàn hoặc bán tự chủ. Trên cánh tay robot này có tích hợp ổ cắm điện, bus dữ liệu, đường truyền video và máy truyền động quay. Với một camera hồng ngoại, ERA có thể kiểm tra cấu trúc và các thành phần bên ngoài ISS, đồng thời truyền tầm nhìn của nó tới các phi hành gia bên trong phòng thí nghiệm trên quỹ đạo. Phi hành đoàn ISS sẽ sử dụng cánh tay robot này để di chuyển thiết bị nặng, lắp đặt các mảng năng lượng mặt trời, vận chuyển các phi hành gia từ địa điểm này đến địa điểm khác ngoài không gia, kiểm tra và hỗ trợ thực hiện các công việc bên ngoài trạm ISS.
Trạm Vũ trụ Quốc tế hiện đã có hai cánh tay robot, bao gồm Canadarm2 do Canada sản xuất (dài 17 m) và hệ thống thao tác từ xa JEMRMS của Nhật Bản (dài 10 m). Tuy nhiên, cả hai thiết bị này đều không thể tiếp cận phân đoạn quỹ đạo của Nga./.