Bạo loạn tại Ai Cập bùng nổ sau khi một tòa án tuyên án tử hình đối với 21 trong tổng số 73 bị cáo bị bắt giữ và xét xử vì có liên quan đến thảm họa sân cỏ hồi tháng 2/2012. Đây được coi là thảm họa sân bóng tồi tệ nhất ở Ai Cập và xảy ra ngay sau tiếng còi kết thúc trận đấu. Bạo lực tiếp diễn, cùng với những bế tắc chính trị và kinh tế đang đẩy Ai Cập vào tình trạng bất ổn nhất kể từ sau cuộc bầu cử Tổng thống mang lại thắng lợi cho ông Mohammed Mursi.
Hàng nghìn cổ động viên bóng đá đã phong tỏa và phóng hỏa trụ sở Liên đoàn bóng đá Ai Cập ở gần sân vân động Ahly. Hàng loạt ngôi nhà ở khu vực Câu lạc bộ sĩ quan cảnh sát gần đó cũng bị nhóm cổ động viên tấn công. Ngoài ra, một nhóm cổ động viên khác cũng phong tỏa tuyến đường xe điện ngầm đến trụ sở Bộ Nội vụ, gây ách tắc trong khoảng 10 phút. Chính quyền Ai Cập đã phải cấp tốc cử lực lượng dân phòng và nhân viên cứu hỏa tới các khu vực xảy ra bạo loạn để khống chế tình hình. Lực lượng an ninh cho biết, 2 người thiệt mạng và 65 người khác bị thương trong các cuộc đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát tại thủ đô Cairo.
Cổ động viên đã phóng hỏa đốt 2 tòa nhà ở Cairo (ảnh từ video clip của Reuters) |
Tổng thống Ai Cập Mursi ngay lập tức ra tuyên bố kêu gọi người dân kiềm chế và bình tĩnh. Nội các Ai Cập cũng kêu gọi người dân Ai Cập thống nhất và tôn trọng phán quyết của tòa án.
Trong khi đó, Bộ Nội vụ Ai Cập quyết định trao quyền kiểm soát an ninh và bảo vệ trụ sở cơ quan này ở thành phố Port Said cho lực lượng quân đội, vốn đã được triển khai đến đây từ sau phiên tòa xét xử hôm 26/1. Tình trạng khẩn cấp cũng được ban bố tại khu vực bán đảo Sinai khi có một số thông tin cho rằng, các nhóm vũ trang Jihad có ý định tấn công trụ sở cảnh sát tại phía Nam và phía Bắc Sinai.
Cùng với những cuộc biểu tình bạo lực, những bế tắc chính trị tại Ai Cập tiếp tục là những thách thức lớn mà Tổng thống Mursi phải đối mặt trong việc duy trì luật pháp và trật tự trong thời điểm khủng hoảng kinh tế hiện nay.
Kinh tế tiếp tục tồi tệ
Chính phủ Ai Cập đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng về ngân sách cũng như một mối lo ngại về chính sách tiền tệ. Người dân bày tỏ bất bình về tình trạng kinh tế trì trệ do các cuộc biểu tình kéo dài.
Một người dân tại thủ đô Cairo bày tỏ: “Chúng tôi không hoạt động kinh doanh buôn bán được gì. Bởi vì cả thế giới đều biết đến Ai Cập thông qua truyền thông bằng những hình ảnh đầy bất ổn. Chúng tôi có rất nhiều vấn đề vì chúng tôi không có an ninh”.
“Sau cuộc cách mạng cách đây 2 năm, mọi thứ tại Ai Cập dường như đang tồi tệ hơn, về kinh tế, khách du lịch đến ít hơn và thu nhập tất nhiên giảm đi nhiều,” một người dân khác nói. “Mọi thứ đều rất tồi tệ. Thực sự đây không phải là thời điểm tốt cho người dân Ai Cập”.
Do an ninh bất ổn, dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Ai Cập cũng giảm mạnh. Một thành viên của Hội đồng Đại Tây Dương Michele Dune nhận định: “Dòng vốn đầu tư nước ngoài cũng đang giảm đi vì các nhà đầu tư lo ngại không an toàn. Ai Cập đang lâm vào tình trạng bất ổn chính trị. Vì vậy, những nhà đầu tư cũng không thể đánh bạc với những đồng tiền mà họ bỏ ra”
Để giúp nền kinh tế đất nước thoát khỏi khó khăn, chính phủ Ai Cập đang thương lượng với Quỹ Tiền tệ Quốc tế về khoản vay 4,8 tỉ USD. Tuy nhiên, quyết tâm này liệu có thành công hay không còn phụ thuộc rất nhiều vào tình hình hiện nay trên chính trường Ai Cập. Ủy ban bầu cử Tối cao Ai Cập mới đây thông báo hủy thời điểm tổ chức bầu cử quốc hội- động thái có nguy cơ đẩy đất nước Kim tự tháp rơi sâu hơn vào khủng hoảng chính trị./.