Tính đến hết ngày 15/2, số người thiệt mạng do Covid-19 tại Trung Quốc đại lục là 1.665 người, tăng 142 người so với một ngày trước đó. Tuy nhiên số trường hợp nhiễm mới ở nước này tính theo ngày đã giảm ngày thứ ba liên tiếp và số trường hợp nhiễm mới bên ngoài tỉnh Hồ Bắc đã giảm ngày thứ 12 liên tiếp. Mặc dù vậy, Tổ chức Y tế thế giới vẫn nhận định, Covid-19 vẫn là vấn đề khẩn cấp tại Trung Quốc và chưa rõ dịch sẽ tiếp tục lây lan đến đâu.
Ảnh minh họa: Teller Report |
Theo thông báo mới nhất của Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc, tính đến hết ngày 15/2, tổng cộng có 9.419 bệnh nhân nhiễm bệnh được điều trị khỏi bệnh và xuất viện tại Trung Quốc đại lục. Riêng trong ngày 15/2, có 1.323 người được ra viện.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ngày 15/2 lạc quan cho biết, việc hơn 8.000 trường hợp được điều trị khỏi bệnh là một dấu hiệu cho thấy dịch bệnh có thể kiểm soát được. Tỉ lệ tử vong ở cấp quốc gia là 2,29% trong khi bên ngoài Hồ Bắc là 0,05%, cho thấy phần lớn các ca dịch bệnh này có thể chữa khỏi.
Quan chức y tế hàng đầu của Đức cũng cho rằng các biện pháp của Trung Quốc kiểm soát dịch đang chứng minh được sự hiệu quả.
Ông Laothar Weiler- Chủ tịch Viện Robert Koch – Cơ quan kiểm soát và phòng chống dịch bệnh của chính phủ Đức nhấm mạnh: “ Dịch Covid 19 diễn ra từ cuối tháng 12 và chính phủ Trung Quốc đã thực hiện nhiều biện pháp để kiểm soát. Hãy nhìn các trường hợp bên ngoài Trung Quốc, chỉ khoảng 500 ca gần đây. Điều này cho thấy các biện pháp kiểm soát của Trung Quốc thực sự khá thành công”.
Bất chấp các dấu hiệu hạ nhiệt tại tâm dịch, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus bày tỏ lo ngại về số các trường hợp nhiễm mới vẫn tăng lên và khẳng định Covid 19 vẫn là một vấn đề khẩn cấp tại Trung Quốc. Theo ông Tedros, nỗ lực của Trung Quốc trong việc khống chế sự lây lan của virus là rất đáng khích lệ và giúp ngăn chặn sự lây lan ra toàn cầu. Tuy nhiên hiện vẫn chưa xác định được dịch sẽ lây lan đến đâu.
“Chúng tôi lo ngại về số trường hợp nhiễm mới tiếp tục tăng tại Trung Quốc, đặc biệt về số nhân viên y tế bị nhiễm và tử vong. Chúng tôi cũng lo ngại về việc thiếu sự khẩn cấp trong vấn đề tài chính đối phó với dịch bệnh của cộng động quốc tế, gián đoạn cung ứng thiết bị bảo hộ cá nhân dành cho các nhân viên y tế tuyến đầu chống dịch. Ngoài ra, các tin đồn và những thông tin sai lệch cũng gây cản trở các nỗ lực ứng phó với dịch bệnh và trên hết chúng tôi lo ngại những thiệt hại tiềm tàng mà virus có thể gây ra cho các nước có hệ thống y tế yếu hơn”, ông Ghebreyesus nhấn mạnh.
Lo ngại về việc chưa biết mức độ dịch sẽ lây lan như thế nào là tâm lý chung của nhiều quốc gia khi có thêm các nước bắt đầu thông báo trường hợp nhiễm mới đầu tiên. Ai Cập ngày 15/2 công bố ca nhiễm virus đầu tiên tại quốc gia này và cũng là ca đầu tiên ở châu Phi.
Trong khi đó, Pháp cũng xác nhận ca đầu tiên tử vong vì dịch bệnh tại châu Âu và cũng là ca tử vong đầu tiên bên ngoài châu Á. Nhiều chuyên gia y tế lo ngại, dịch có thể hạ nhiệt tại Trung Quốc nhưng nó có khả năng lan rộng ra nhiều nơi trên thế giới và đối với nhiều quốc gia, dịch này mới chỉ bắt đầu.
Phó Chủ tịch Ủy ban dịch bệnh toàn cầu tại Singapo Giáo sư Dale Fissher nhận định: “ Dự đoán về thời kỳ đỉnh dịch và kết thúc dịch tại Trung Quốc vào tháng 4 có thể đúng. Tuy nhiên dịch bệnh này đã lan sang những nơi khác và đây mới chỉ là điểm bắt đầu của dịch bệnh, ví dụ như tại Singapo- chúng ta mới chỉ ở điểm bắt đầu của dịch bệnh. Vậy chúng ta sẽ lại phải đối mặt với các đỉnh dịch tại nơi khác”
Một nhóm chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới cuối tuần này bắt đầu phối hợp với các chuyên gia Trung Quốc thực hiện cuộc điều tra về Covid-19 tại Trung Quốc. Theo đó, Nhóm chuyên gia sẽ tập trung vào cách thức virus Corona mới có thể lây lan và mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh. Phái bộ cũng sẽ tìm kiếm thêm các chi tiết về việc làm thế nào, ở đâu và khi nào mà hơn 1.700 nhân viên y tế bị nhiễm virus tại Trung Quốc./.