Phát biểu tại hội nghị trao đổi học thuật quốc tế mang tên "Covid-19 - bệnh truyền nhiễm của thế kỷ 21" tổ chức tại tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, Viện sĩ Chung Nam Sơn, chuyên gia nổi tiếng về các bệnh hô hấp của nước này khẳng định, tái nhiễm Covid-19 là điều có thể, nhưng đây không phải là hiện tượng phổ biến.
Ông cho biết, các trường hợp tái nhiễm Covid-19 mà ông thu thập được qua các tài liệu công khai là 5 người, trong đó có 1 người ở Hong Kong. Giải thích về hiện tượng này, theo ông, có thể có 2 lý do. Thứ nhất, lượng kháng thể của người bệnh sản sinh ra sau lần nhiễm đầu tiên bị giảm sút nhanh chóng. Thứ hai, trong lần mắc bệnh đầu tiên, người bệnh không có hoặc chỉ sản sinh một lượng kháng thể rất ít, không đủ sức đề kháng trước lần nhiễm bệnh thứ hai.
Liên quan đến các trường hợp không triệu chứng, ông cho biết, tỷ lệ người dương tính với SARS-CoV-2 nhưng không có các triệu chứng bệnh chiếm khoảng 20%-40% người bệnh Covid-19. Đặc điểm quan trọng của những trường hợp này là khả năng lây truyền khá cao, do vậy cần phải hết sức quan tâm. Nếu bùng phát các cụm dịch không rõ nguồn gốc, việc tiến hành xét nghiệm đại trà là cần thiết.
Hồi tháng 8 năm nay, một người đàn ông Hong Kong (Trung Quốc) đã được xác nhận thông qua kết quả phòng thí nghiệm là tái nhiễm SARS-CoV-2 sau hơn 4 tháng chữa khỏi và là trường hợp tái mắc Covid-19 đầu tiên trên thế giới.
Trường hợp này đã cảnh báo những người từng được chữa khỏi Covid-19 không nên tự cho rằng mình đã miễn dịch trước căn bệnh này, đồng thời cho thấy khả năng cơ thể có thể chỉ duy trì miễn dịch với SARS-CoV-2 trong thời gian ngắn và đặt ra các câu hỏi về vaccine./.