Kênh CNBC của Mỹ dẫn lời một số chuyên gia quân sự quốc phòng nước này cho biết, quả tên lửa đạn đạo liên lục địa mà Triều Tiên phóng đêm 28/7 có thể vươn tới thành phố New York và những thành phố khác ở bờ Đông nước Mỹ.

tam_ban_cua_hwasong_14_bbc_tunx.jpg

Tầm bắn của một số tên lửa Triều Tiên, bao gồm Hwasong-14. (Đồ họa: BBC)

Trong vụ phóng mới nhất, tên lửa Hwasong-14 của Triều Tiên bay lên rất cao trước khi lao xuống biển Nhật Bản. Dữ liệu ban đầu về vụ phóng cho thấy một nửa, nếu không phải là hầu hết lục địa Mỹ, có thể nằm trong tầm bắn của quả tên lửa này.

Tầm bắn phủ cả nước Mỹ?

“Có vẻ như nó có thể vươn tới New York, Boston và thậm chí rơi sát thủ đô Washington”, David Wright, nhà khoa học cấp cao, đồng Giám đốc của Chương trình an ninh toàn cầu thuộc Liên minh các nhà khoa học liên quan (Union of Concerned Scientists, Mỹ) nhận định trên kênh CNBC.

Quân đội Hàn Quốc cho biết, quả tên lửa Triều Tiên phóng đêm 28/7 đã bay hơn 47 phút, đi xa khoảng 1.000 km và đạt độ cao hơn 3.700 km.

Ông Wright, một nhà vật lý học và chuyên gia về kỹ thuật điều khiển bằng tay cho rằng, vụ phóng đã chứng minh Triều Tiên “có thể đi xa hơn” những nỗ lực trước đây. Ông tin rằng quả tên lửa này về mặt tiêu chuẩn có thể đạt đến tầm bắn 10.400 km trước khi tính toán đến vòng quay của Trái Đất. Điều đó có thể nâng phạm vi vươn tới của tên lửa này khi được bắn từ tây sang đông.

Tính toán chuyên gia về khả năng bắn của Hwasong-14. (Nguồn:CNBC)

Tuy nhiên, ông Wright cũng cho rằng, hiện chưa rõ Triều Tiên có giảm trọng lượng của tên lửa Hwasong-14 trong vụ thử mới so với vụ thử đầu tiên ngày 4/7 hay không.

“Chi tiết vẫn còn rất sơ sài. Nhưng dường như quả tên lửa bay xa hơn và trong thời gian lâu hơn vụ phóng ngày 4/7”, Bruce Klinger, cựu quan chức phụ trách các vấn đề liên quan tới bán đảo Triều Tiên tại Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) nhận định.

Ông cũng chia sẻ ý kiến rằng “đó rõ ràng là một quả tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) và nó có thể đặt thêm nhiều vùng của lục địa Mỹ vào nguy hiểm”. Trước đó, Bộ Quốc phòng Nga nhận định tên lửa Triều Tiên phóng đếm 28/7 chỉ là tên lửa đạn đạo tầm trung.

Ông Klinger hiện là chuyên gia cấp cao về Đông Bắc Á cho Trung tâm nghiên cứu châu Á (ASC) của Quỹ Di sản (HF). Ông cho rằng, từ năm ngoái đã có những dấu hiệu cho thấy động cơ mà Triều Tiên thử nghiệm có thể đưa tên lửa vươn tới bờ Đông nước Mỹ.

Chuyên gia này nhận định, các vụ thử mới “đã cho thấy rõ ràng là tầm bắn của những quả tên lửa này xa hơn một số người đã nghĩ”.

Khả năng mang đầu đạn hạt nhân?

Chương trình tên lửa đạn đạo của Triều Tiên tăng tốc vượt bậc dưới thời nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Năm ngoái, nước này đã bắn ít nhất 16 quả tên lửa đạn đạo và tiến hành 2 vụ thử hạt nhân.

Dư luận đang đặt ra câu hỏi liệu Triều Tiên có công nghệ chế tạo vũ khí hạt nhân chịu được nhiệt độ khắc nghiệt và những áp lực khác của bầu khí quyển khi tên lửa đạn đạo liên lục địa tái nhập bầu khí quyển hay không.

“Tôi nghĩ vào thời điểm này họ có thể làm được việc tái nhập bầu khí quyển đó”, ông Wright nhận định.

Theo ông Wright, Triều Tiên có thể cho tên lửa tái nhập khí quyển thành công bằng cách chế tạo đầu đạn hạt nhân không nhọn. Điều đó khiến cho tốc độ quả tên lửa chậm lại khi bước vào giai đoạn tái nhập bầu khí quyển.

Tuy nhiên, “bạn giảm được nhiệt thì độ chính xác lại kém hơn dù độ chính xác của thứ này vốn đã kém rồi”, ông Wright nêu rõ./.