Cứ 6 năm một lần, Campuchia tổ chức bầu cử gián tiếp để chọn ra thành viên Thượng viện. Trong cuộc bầu cử hôm 25/2, thành viên hội đồng địa phương và hạ nghị sĩ bỏ phiếu để chọn ra 58 thượng nghị sĩ.

Đảng cầm quyền của Campuchia đã giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử Thượng viện hôm 25/2.

1_1__eumo.jpg

 
Thủ tướng Campuchia ông Hun Sen đi bầu cử Thượng viện nhiệm kỳ 4, (2018-2024) tại tỉnh Cal Dal, sáng 25/2/2018.

Tháng 11 năm ngoái, đảng đối lập lớn nhất, Đảng Cứu nguy Dân tộc Campuchia (CNRP) bị buộc phải giải thể làm dấy lên câu hỏi về tính hợp pháp của cuộc bầu cử lần này. Nhật Bản truyền đạt với Chính phủ Campuchia rằng điều quan trọng là tiến hành cuộc bầu cử phản ánh được nguyện vọng của người dân.

Quan điểm này được NHK làm rõ trong buổi tọa đàm với bà Hatsukano Naomi, chuyên viên nghiên cứu cấp cao của Viện nghiên cứu Các nền Kinh tế đang phát triển, thuộc Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO).

Bà Naomi cho rằng bầu cử Quốc hội, vốn được coi là quan trọng nhất trong các cuộc bầu cử quốc gia ở Campuchia, diễn ra vào năm 2013. Đảng Cứu nguy Dân tộc Campuchia, được thành lập vào năm trước đó, đã giành chiến thắng lớn trong cuộc bầu cử này, làm gia tăng suy đoán sẽ có thay đổi chính quyền.

Ông Sat Bun Houc, Chủ tịch Ủy ban bầu cử Quốc gia Campuchia đi kiểm tra công tác bầu cử ở thủ đô Phnom Penh.

Điều này gây quan ngại cho chính phủ dưới sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân cầm quyền. Cuộc bầu cử Quốc hội tiếp theo dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 7 tới, nên đảng cầm quyền gia tăng sức ép đối với Đảng Cứu nguy Dân tộc Campuchia cũng như những người ủng hộ đảng này.

Bà Naomi phân tích thêm, sau cuộc bầu cử năm 2013, chính phủ đã thúc đẩy cải cách để giải quyết những bất bình và bất mãn của người dân. Kinh tế Campuchia cũng tiếp tục tăng trưởng, đưa lương tối thiểu tăng.

Cử tri Campuchia đến để thực hiện quyền bỏ phiếu của mình.

Như vậy, ít nhất là tại các khu vực thành thị, không có dấu hiệu cho thấy sự bất mãn của thanh niên và tầng lớp trung lưu bùng phát như trong cuộc bầu cử năm 2013. Người dân có thể cũng không mấy nhiệt tình bởi cuộc bầu cử Thượng viện là một cuộc bầu cử gián tiếp.

Trong khi đó, Mỹ và Liên minh châu Âu chỉ trích gay gắt Chính phủ Campuchia. Trên thực tế, khi đảng đối lập bị giải thể và các nghị sĩ của đảng mất việc hàng loạt, họ đã thảo luận về việc xóa bỏ thuế quan ưu đãi đối với hàng dệt may và may mặc từ Campuchia, vốn là xương sống của ngành xuất khẩu nước này. Tuy nhiên, họ vẫn chưa quyết định việc này.

Liên quan tới quan điểm của Nhật Bản về cuộc bầu cử này, bà Naomi cho biết Nhật Bản là nước tăng cường hỗ trợ cho cải cách bầu cử của Campuchia. Do đó, nếu có một nước có thể vừa tiếp tục kiên nhẫn đối thoại với Campuchia vừa có thể bày tỏ không hài lòng về tình hình hiện tại thì đó chính là Nhật Bản. Và điều quan trọng là Nhật Bản nên tiếp tục hành động như trên trong thời gian tới./.