Chính phủ Syria ngày 28/1, thông báo với Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc rằng, nước này chấp thuận kế hoạch viện trợ nhân đạo của cộng đồng quốc tế.
Nga cũng kêu gọi lực lượng nổi dậy ở Syria hợp tác với chính phủ trong cuộc chiến chống khủng bố, cho rằng đây là cơ hội để khôi phục sự đoàn kết trong quốc gia Trung Đông này.
Kế hoạch ứng phó chiến lược của Liên Hợp Quốc kêu gọi viện trợ 2,9 USD để giúp đỡ hơn nửa dân số Syria, tương đương với khoảng 12 triệu người chịu ảnh hưởng của cuộc nội chiến đang kéo dài sang năm thứ 5 tại quốc gia Trung Đông này.
Phó Cao ủy nhân quyền Liên Hợp Quốc Kyung-Wha Kang cho biết, năm ngoái Liên Hợp Quốc chỉ nhận được khoảng một nửa số tiền cần thiết để giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Syria.
Phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc về tình hình nhân đạo tại Syria, Nhà ngoại giao Syria tại Liên Hợp Quốc Haydar Ali Ahmad cho biết, chính phủ nước này muốn đảm bảo, sự hỗ trợ sẽ đến được mọi khu vực ở Syria, không phân biệt vùng đó thuộc kiểm soát của quân đội trung thành với Tổng thống Bashar al-Assad hay lực lượng nổi dậy.
Ngoài nội chiến, Syria cũng là nạn nhân của chủ nghĩa khủng bố khi tổ chức IS đang nắm quyền kiểm soát một phần lãnh thổ nước này. Mỹ và đồng minh đã tiến hành không kích nhằm vào phiến quân IS, nhưng Washington vẫn bác bỏ việc bắt tay với Tổng thống Bashar al- Assd để chiến đấu chống lại kẻ thù chung này.
Nhà ngoại giao Syria tại Liên Hợp Quốc Haydar Ali Ahmad nhấn mạnh: “Điều cần thiết hiện nay là hợp tác và phối hợp với Chính phủ Syria trong cuộc chiến chống khủng bó để chấm dứt cuộc khủng hoảng nhân đạo tại đây”.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cũng lên tiếng hối thúc chính phủ Syria và lực lượng nổi dậy phối hợp chống chủ nghĩa khủng bố. Phát biểu tại cuộc đàm phán hòa bình giữa các phe phái ở Syria diễn ra ngày 28/1 tại Moscow, ông Lavrov cho rằng đây đồng thời là cơ hội để khôi phục sự đoàn kết trong quốc gia Trung Đông này.
Ngoại trưởng Nga nhấn mạnh, xung đột ở Syria chỉ có thể được giải quyết thông qua đối thoại mà không có sự can thiệp từ bên ngoài.
“Tôi tin rằng tất cả chúng ta có thể nhất trí về một điểm, đó là cuộc khủng hoảng ở Syria chỉ có thể giải quyết thông qua đối thoại chính trị. Việc làm thế nào tiến hành các cuộc đối thoại là quyền quyết định của người Syria. Tôi nghĩ chúng ta đều hiểu rằng, bất cứ kế hoạch trung gian hòa giải nào do các thế lực nước ngoài áp đặt vào Syria có thể nguy hiểm vì chúng chỉ phản ánh lợi ích địa chính trị của những người muốn thúc đẩy kế hoạch đó”, ông Lavrov nói.
Trong 2 ngày đối thoại vừa qua, các bên đã đạt được 10 thỏa thuận, trong đó có việc chấm dứt tấn công vào dân thường, thả con tin và dỡ bỏ các lệnh trừng phạt lương thực đối với Syria.
Tuy nhiên, vai trò của Tổng thống Syria al- Assad, một trong những điểm gây bất đồng lớn nhất hiện nay, đã không được đề cập tại cuộc đàm phán lần này ở Moscow. Bên cạnh đó, việc nhóm đối lập chính là Liên minh dân tộc Syria (SNC) không tham gia cuộc đàm phán khiến triển vọng đạt được sự đột phá trong cuộc khủng hoảng ở Syria là không nhiều.
Mặc dù vậy, Ngoại trưởng Nga Lavrov khẳng định sẽ tiếp tục các nỗ lực thúc đẩy đối thoại tại Syria. Theo ông Lavrov, tiến trình hòa giải ở Syria sẽ rất phức tạp, lâu dài và đòi hỏi sự nhượng bộ của những thỏa hiệp của các bên./.