12h 50 giờ Việt Nam (tức 14h 50 giờ Nhật Bản) là thời hạn chót mà nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS đặt ra để chính phủ Nhật Bản trả tiền chuộc giải cứu 2 con tin.

is_hanh_quyet_kagl.jpgMột chiến binh IS đọc lệnh hành quyết 2 tử tù (ảnh: Daily Mail)
Hiện Chính phủ Nhật Bản đang nỗ lực đảm bảo các kênh đối thoại nhằm thúc giục nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng phóng thích con tin nước này mà không làm hại đến họ trong thời hạn 72 tiếng đồng hồ mà nhóm phiến quân này đưa ra để đổi lấy các khoản tiền chuộc. Khoản tiền chuộc mà nhóm Nhà nước Hồi giáo yêu cầu tương đương với khoản viện trợ mà Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cam kết trong chuyến thăm Trung Đông, vốn được cho là một phần đóng góp của Tokyo để đối phó với nhóm Nhà nước Hồi giáo, bao gồm cả việc mở rộng viện trợ cho người tị nạn Iraqvà Syria.

Phát biểu tại cuộc họp báo vào hôm nay, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida giải thích, có “sự hiểu lầm” rằng, viện trợ của Nhật Bản là nhằm sát hại người Hồi giáo như tuyên bố của người đàn ông trong video, đồng thời khẳng định, Tokyo sẽ tiếp tục gửi đi thông điệp rằng về bản chất, viện trợ này mang ý nghĩa “nhân đạo và phi quân sự”.

“Chính phủ Nhật Bản hiện đang chưa liên hệ được với  nhóm Nhà nước Hồi giáo để giải thích lập trường của chúng tôi về việc giúp đỡ người tỵ nạn trong khu vực. Chúng tôi muốn họ hiểu được điều này, và trả tự do cho các con tin ngay lập tức. Hiện chúng tôi đang sử dụng mọi  phương tiện để truyền đi thông điệp này tới nhóm Nhà nước Hồi giáo”.

Trong lúc này, chính phủ Jordan cho biết, nước này sẽ nỗ lực hết mình giúp đỡ Nhật Bản nhằm đảm bảo giải cứu cho 2 con tin Goto và Yukawa càng sớm càng tốt. Hiện Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Yasuhide Nakayama tới Jordan để tìm kiếm hỗ trợ giải cứu con tin. Theo đó, thông qua một lực lượng đặc nhiệm ở Jordan, Nhật Bản đang tìm kiếm sự ủng hộ từ các nước ở Trung Đông và bất cứ nơi đâu để có được thông tin về các con tin Nhật Bản.

Trước đó, công dân Nhật Bản từng bị bắt cóc tại nước ngoài nhưng hầu hết đều được thả. Hiện chưa rõ Nhật Bản đã trả tiền chuộc bao nhiêu lần cho những kẻ bắt cóc nhưng chỉ có một trường hợp duy nhất được xác nhận là vụ bắt cóc tại Kyrgyzstan hồi năm 1999./.

>> Xem thêm: Quái thú Hồi giáo cực đoan IS “không đùa” với bất cứ ai