Từng cho rằng Qatar sẽ phải nhượng bộ trước sức ép về mặt ngoại giao và kinh tế, bốn quốc gia Arab, bao gồm Saudi Arabia, Ai Cập, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Bahrain đã không ngờ tới phản ứng quyết liệt của Qatar, với sự ủng hộ mạnh mẽ từ phía Thổ Nhĩ Kỳ. Ngay lập tức, các quốc gia Arab đã tính đến việc áp đặt trừng phạt kinh tế đối với Thổ Nhĩ Kỳ – một quốc gia từng là đồng minh của các nước vùng Vịnh.

erdogan_fhqv.jpg
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hoan nghênh việc Qatar bác bỏ bản yêu sách 13 điểm (Ảnh: Reuters)

Hỗ trợ lương thực cho Qatar, điều thêm quân đội tới hỗ trợ nước này, phản đối các yêu sách mà các nước Arab đưa ra là những hành động ủng hộ công khai của Thổ Nhĩ Kỳ dành cho Qatar trong cuộc khủng hoảng vùng Vịnh hiện nay. Theo giới phân tích, những động thái này sẽ “chọc tức” các quốc gia Arab và mối quan hệ đồng minh giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Saudi Arabia cũng sẽ bị “rạn nứt”.

Tờ báo The New Arab mới đây đưa tin, 4 nước: Saudi Arabia, Ai Cập, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Bahrain đang lên kế hoạch áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Tờ báo tiết lộ, trong chuyến thăm tới thủ đô Cairo, Ai Cập hồi tuần trước, Thái tử Abu Dhabi của Các tiểu vương quốc Arab thống nhất đã thảo luận với giới chức Ai Cập về các biện pháp trừng phạt này. Theo nguồn tin ngoại giao Ai Cập, các biện pháp trừng phạt kinh tế “hà khắc” sẽ sớm được đưa ra, đồng thời cảnh báo đây sẽ là một đòn giáng “nặng nề” nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ.

Trước đó, các quốc gia Arab từng hi vọng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đóng vai trò trung gian hòa giải và giữ quan điểm trung lập giữa các bên trong cuộc khủng hoảng vùng Vịnh. Tuy nhiên, trên thực tế, Thổ Nhĩ Kỳ đã không làm như vậy và quyết định ủng hộ cho Qatar.

Trong một diễn biến mới nhất, hôm qua (25/6), Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã hoan nghênh việc Qatar bác bỏ một bản yêu sách gồm 13 điểm của Saudi Arabia cùng các nước đồng minh đưa ra, đồng thời cho rằng “tối hậu thư” này là “trái với luật pháp quốc tế”.

Ông Erdogan cho biết: “Chúng tôi đánh giá cao lập trường quan điểm của Qatar đối với 13 yêu sách từ các nước Arab. Chúng tôi cho rằng 13 yêu sách này là vi phạm luật pháp quốc tế bởi không nước nào có thể tấn công hoặc can thiệp vào chủ quyền của một quốc gia khác”.

Trước đó một ngày, Kuwait đã chuyển cho Qatar bản yêu sách gồm 13 điểm từ bốn quốc gia Arab, trong đó có việc yêu cầu Qatar hạ cấp quan hệ ngoại giao với Iran, đóng cửa căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại nước này, cũng như kênh truyền hình Al-Jazeera. Hiện Qatar đang xem xét bản yêu sách này, tuy nhiên theo giới chức Qatar, một số yêu cầu trong bản danh sách là không hợp lý và vi phạm chủ quyền nước này.

Cùng chung quan điểm như vậy, Ngoại trưởng Mỹ Tillerson hôm qua nhận định, Qatar khó có thể đáp ứng tất cả những đòi hỏi mà các nước Arab cấm vận nước này đưa ra. Tuy nhiên, theo ông Tillerson, Qatar và các nước Arab vẫn có thể ngồi lại với nhau vì một mục đích chung – đó là chống chủ nghĩa cực đoan và khủng bố.

Căng thẳng ngoại giao tại vùng Vịnh bùng phát hôm 5/6, sau khi Saudi Arabia, Ai Cập, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Bahrain cùng một số nước khác cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar, với cáo buộc nước này ủng hộ khủng bố, can thiệp vào vấn đề nội bộ của các nước trong khu vực. 

Hiện cuộc khủng hoảng vùng Vịnh vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp. Theo các nhà phân tích khu vực, Qatar đang bị dồn ép về mọi mặt từ bốn nước Arab. Việc Qatar bác bỏ tất cả các yêu sách từ Saudi Arabia và các nước đồng minh sẽ đẩy khu vực vào một giai đoạn phức tạp hơn. Không loại trừ khả năng bị đẩy vào chân tường, Qatar sẽ buộc phải chia tay với Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) và thành lập một liên minh mới với Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, để bảo vệ mình. Việc cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran và Qatar, cộng thêm kế hoạch trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ chắc chắn sẽ khiến các quốc gia vùng Vịnh đứng trước nguy cơ đối đầu với một liên minh mới tại khu vực./.