Trong bức thư gửi cho các nghị sĩ Anh sáng 28/8, Thủ tướng Anh Boris Johnson lần đầu tiên công khai khẳng định ý định của ông về việc sẽ đóng cửa Nghị viện Anh trong thời gian tiến sát đến thời hạn Brexit, từ ngày 10/9 đến ngày 14/10.

johnson_mgzr.jpg
Thủ tướng Anh Johnson. Ảnh: Getty

Ông Johnson cho biết ông đã gửi đề nghị này đến Nữ hoàng Anh, đồng thời khẳng định Nghị viện Anh vẫn sẽ có thời gian tranh luận về các chính sách của chính phủ về Brexit sau ngày 14/10, khi Nữ hoàng Anh chính thức có bài diễn văn quan trọng, cũng như khả năng khi đó Anh và EU đã đạt được một thoả thuận.

Quyết định này của ông Boris Johnson khẳng định thông tin gây lo ngại trong chính giới Anh từ nhiều tuần nay là chính phủ của ông Boris Johnson sẽ tìm cách “treo” Nghị viện Anh trong thời gian tới, nhằm triệt tiêu các tranh luận cũng như các cản trở trong việc thực thi ý định rời EU vào ngày 31/10 mà không có thoả thuận Brexit.

Cho đến nay, Nghị viện Anh vẫn kiên quyết phản đối mọi kịch bản rời EU mà không có thoả thuận.

Đây cũng được coi là bước đi quyết liệt của ông Boris Johnson, nhiều khả năng sẽ đẩy nước Anh vào một cuộc khủng hoảng lập hiến nặng nề. Ngay sau khi bức thư của ông Boris Johnson được công bố, Chủ tịch Hạ viện Anh, ông John Bercow tuyên bố, đây sẽ là một sự xâm phạm Hiến pháp nghiêm trọng.

Các đảng phái đối lập tại Vương quốc Anh cũng đã lập tức phản ứng. Chủ tịch đảng dân tộc Scotland (SNP), bà Nicola Sturgeon tuyên bố đảng của bà sẽ nhanh chóng tiến hành các bước đi để ngăn chặn hành động của ông Johnson. Trước đó, trong tối 27/8, thủ lĩnh Công đảng đối lập Jeremy Corbyn tiếp tục phát đi lời kêu gọi toàn bộ các đảng đối lập liên kết để lật đổ chính phủ của ông Johnson.

Đáp lại lời đe doạ này, phía đảng Bảo thủ cho biết nếu các nghị sĩ Anh tiến hành bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ của ông Boris Johnson vào tuần tới thì chính phủ Anh sẽ giải tán Quốc hội và tiến hành tuyển cử sớm vào đầu tháng 11/2019.