Với sự phát triển trong mối quan hệ Mỹ-Cuba 3 năm qua,  những chính sách mới của Tổng thống Donald Trump được cho là sẽ có tác động lớn đến không chỉ quốc đảo Caribe mà còn ảnh hưởng đến lợi ích kinh tế của chính nước Mỹ.

my_cuba__nzum.jpg
Ảnh minh họa: AP

Những thay đổi trong chính sách về Cuba so với thời chính quyền tiền nhiệm bao gồm siết chặt các qui định về đi lại, nghiêm cấm công dân Mỹ làm ăn với bất kỳ doanh nghiệp quốc doanh nào có quan hệ với quân đội và lực lượng an ninh Cuba, chấm dứt mọi hoạt động giao lưu nhân dân và chỉ cho phép tiến hành các chuyến đi thăm người thân.

Theo đánh giá của các chuyên gia, sự thay đổi chính sách của ông Donald Trump sẽ có tác động đầu tiên tới việc đi lại giữa Mỹ và quốc đảo Cuba. Một trong những điểm sáng trong mối quan hệ Mỹ- Cuba kể từ khi bình thường hóa quan hệ đó là lượng du khách Mỹ đến Cuba đã tăng đột biến.

Trong 5 tháng đầu năm nay, số lượng công dân Mỹ tới Cuba tăng 145% so với cùng kỳ năm ngoái. Hai bên cũng ký tới 12 thỏa thuận hợp tác trên nhiều lĩnh vực như thương mại, vận tải, viễn thông và nông nghiệp... mang lại lợi ích lớn cho người dân 2 nước.

Tuy nhiên, với tuyên bố không muốn cho quốc đảo Caribe được hưởng lợi từ ngành du lịch, các biện pháp mới của Tổng thống Donald Trump khiến hoạt động đi lại tiếp tục bị giới hạn.

Theo Chủ tịch Tập đoàn Engage Cuba James Williams, sự thay đổi trong chính sách sẽ khiến hoạt động đi lại khó khăn và đắt đỏ hơn nhiều, làm số khách Mỹ tới Cuba giảm mạnh.

Tổng thống Donald Trump luôn khẳng định muốn người dân Cuba, chứ không phải là chính phủ và các công ty trực thuộc được hưởng lợi từ mối quan hệ này.

Tuy nhiên, Chuyên gia phân tích Viện nghiên cứu chính sách Đối thoại tại Mỹ ông Michael Shifter nhận định: “Chính sách trừng phạt và cô lập Cuba đã được thực hiện hơn 5 thập kỉ qua nhưng tình hình vẫn không được cải thiện.

Chính vì vậy sẽ khó có thể nói  cuộc sống của người dân sẽ tốt hơn sau thông báo này. Việc đi lại khó khăn hơn sẽ giới hạn công dân Mỹ đến Cuba,  gây thiệt hại lớn cho chính người dân Cuba”.

Chính sách mới cũng giới hạn hoạt động giao dịch với quân đội Cuba bằng việc mở  rộng các thực thể đang được hưởng lợi từ các khoản thanh toán. Chính phủ kiểm soát nhiều khách sạn hoạt động tại Cuba, vì vậy khiến nhiều người Mỹ không thể ở một số khách sạn tại Cuba.

Theo các quan chức Mỹ, kế hoạch mới không nhằm phá vỡ các giao dịch hiện có với Cuba, nhưng gây khó khăn cho các công ty Mỹ đang háo hức muốn mở rộng hoạt động tại quốc đảo này.

Theo ước tính trước đó, chính sách đảo ngược về Cuba có thể khiến Mỹ thiệt hại hơn 6 tỷ đô la  Mỹ và 12.000 việc làm trong nhiệm kì đầu tiên của Tổng thống Donald Trump. Vì vậy, chính sách mới của Mỹ đang gây ra làn sóng chỉ trích mạnh mẽ trong dư luận nước Mỹ.

Một người dân Mỹ bày tỏ: “Tất cả những gì tôi có thể nói bây giờ là rất may tôi đã được đến Cuba trước khi chính sách mới của Mỹ được ban hành. Đây là một cơ hội tuyệt vời để học về văn hóa cũng như tìm hiểu cuộc sống của người dân Cuba".

Không chỉ là các lợi ích kinh tế, nhiều chính trị gia và tổ chức tại Mỹ đánh giá, những thay đổi trong chính sách mới của Tổng thống Donald Trump với Cuba là “ lỗi thời”, đã và đang “cản trở quá trình phát triển của nhân dân Mỹ và nhân dân Cuba”. Quyết định đảo ngược tiến trình cải thiện quan hệ Mỹ - Cuba cũng gửi đi một thông điệp không tốt với thế giới về vai trò lãnh đạo của Mỹ.

Ngay sau khi Tổng thống Mỹ công bố chính sách mới đối với Cuba, dư luận tại khu vực Mỹ Latin, châu Mỹ cũng lên tiếng phản đối mạnh mẽ. Các nhà lãnh đạo Venezuela, Bolivia bày tỏ tình đoàn kết với Chính phủ và người dân Cuba. Những nước này cáo buộc chính quyền Mỹ lạm dụng quyền lực đế quốc, phớt lờ yêu cầu dỡ bỏ cấm vận chống La Habana của cả thế giới.

Bộ Ngoại giao Mexico cũng kêu gọi chính phủ hai nước thông qua đối thoại, tìm kiếm những đồng thuận và giải quyết những khác biệt, trong khuôn khổ tôn trọng lẫn nhau và công nhận chủ quyền của cả hai quốc gia./.