Joe Biden – cái tên không còn xa lạ với giới chức Bắc Kinh
Không giống như Tổng thống Trump, người mà các quan chức Trung Quốc hầu như hiểu rất ít về ông khi ông nhậm chức, Joe Biden không còn là một cái tên xa lạ với giới chức Bắc Kinh. Tuy nhiên, điều đó cũng không có nghĩa là việc ông Biden đắc cử Tổng thống có thể sửa chữa mối quan hệ giữa 2 nước lớn vốn đã thay đổi căn bản trong 4 năm qua.
Đến nay, Trung Quốc vẫn chưa có phản ứng chính thức về chiến thắng của ông Biden. Chủ tịch Tập Cận Bình cũng chưa gửi lời chúc mừng công khai tới Tổng thống đắc cử. Chỉ có các kênh truyền thông nhà nước là China Daily bày tỏ hy vọng mối quan hệ 2 bên có thể "thiết lập lại tốt đẹp hơn" và Global Times kêu gọi Bắc Kinh nên trao đổi với đội ngũ của ông Biden "chi tiết nhất có thể" để đưa quan hệ Mỹ - Trung dễ đoán định hơn.
"Trung Quốc không có bất kỳ ảo tưởng nào về việc ông Biden đắc cử sẽ chấm dứt hoặc đảo ngược mối quan hệ Mỹ Trung hiện nay, cũng như không cho rằng việc này sẽ làm suy giảm lòng tin về việc cải thiện quan hệ song phương", tờ Global Times cho biết tối 8/11.
Là một người ủng hộ việc hợp tác với Bắc Kinh từ những năm 1970, ông Biden đã tham gia nhiều cuộc họp mở rộng với ông Tập Cận Bình khi cả hai còn là Phó Tổng thống và Phó Chủ tịch nước năm 2011. Tuy nhiên, lập trường ở ông Biden với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã ngày càng cứng rắn trong thập kỷ qua: Trong suốt chiến dịch tranh cử, ông Biden nhiều lần chỉ trích các hành động của Bắc Kinh ở Hong Kong (Trung Quốc) và Tân Cương, đồng thời gọi Chủ tịch Trung Quốc là một "tay du côn".
Sự thay đổi quan điểm của ông Biden với Trung Quốc phản ánh sự dịch chuyển ở mức độ rộng khắp hơn về lập trường với Bắc Kinh ở Washington khi mà lưỡng đảng Mỹ đều đạt được sự nhất trí chung, đó là coi Trung Quốc như một mối đe dọa với trật tự thế giới do Mỹ dẫn đầu. Dưới thời chính quyền Tổng thống Trump, Mỹ đã áp dụng các biện pháp trừng phạt thuế quan với hàng hóa Trung Quốc, tiến hành các động thái cứng rắn với các công ty Trung Quốc như Huawei, Bytedance - công ty mẹ của TikTok. Do đó, khi nhậm chức, ông Biden có thể sẽ tiếp tục lập trường chống Trung Quốc của Tổng thống Trump, song ông sẽ hợp tác chặt chẽ hơn với các đồng minh của Washington để kiềm chế Bắc Kinh - mở rộng sự cạnh tranh chiến lược giữa 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới.
"Chính quyền mới sẽ cần bảo vệ lập trường của mình khỏi các cáo buộc đã mềm yếu với Bắc Kinh. Sự quay lại của mối quan hệ Mỹ - Trung vào những năm 2010 là điều không thể xảy ra", James Green, một nhà ngoại giao Trung Quốc tại châu Á dưới thời chính quyền Tổng thống Obama và Tổng thống Trump nhận định.
Đảo ngược hay kế thừa Trump?
Quan điểm tiêu cực của công chúng Mỹ về Trung Quốc đã gia tăng sau nhiều năm Washington chỉ trích Bắc Kinh về các hành vi thương mại bất bình đẳng, vấn đề nhân quyền và đại dịch Covid-19, ban đầu bùng phát tại thành phố Vũ Hán. Những điều này sẽ khó có thể đảo ngược trong chính quyền mới, đặc biệt khi Mỹ đang chật vật đối phó với làn sóng bùng phát dịch bệnh lần thứ ba sau khi hơn 230.000 người Mỹ tử vong vì virus SARS-CoV-2.
Sự dịch chuyển lớn nhất của ông Biden trong chính sách với Trung Quốc so với ông Trump là hướng tiếp cận với các đồng minh. Trong khi Tổng thống Trump công kích các đồng minh truyền thống của Mỹ như Nhật Bản, Hàn Quốc và châu Âu về việc không tuân thủ các cam kết quốc phòng và gian lận thương mại thì ông Biden đã khẳng định sẽ hợp tác chặt chẽ với các nước này để đối phó với Trung Quốc trên những vấn đề ưu tiên từ thương mại cho tới Hong Kong (Trung Quốc) và công nghệ 5G.
Dù cách tiếp cận của ông Biden có hiệu quả hay không thì sự dịch chuyển chính trị này có thể sẽ khiến Bắc Kinh không hài lòng.
"Ông Biden có lẽ đang cố cải thiện mối quan hệ với các đồng minh và tập hợp thành một nhóm để kiềm chế Trung Quốc. Hiện nay, mối quan hệ giữa Mỹ và châu Âu đang lao dốc nên rất khó để tập hợp các đồng minh cùng đối phó với Trung Quốc. Nếu ông Biden cải thiện được mối quan hệ với các đồng minh này, đây sẽ là điều gây tổn hại cho Trung Quốc", He Weiwen, cựu quan chức tại Lãnh sự quán Trung Quốc ở San Fransisco và New York cho hay.
Dù ai đắc cử Tổng thống Mỹ thì Trung Quốc dường như đang chuẩn bị cho viễn cảnh tệ nhất. Chủ tịch Tập Cận Bình nhiều lần kêu gọi Trung Quốc tăng cường "tự lực" trong các ngành kinh tế chủ chốt, cũng như cần xây dựng công nghệ cốt lõi của riêng mình thay vì mua ở các nơi khác. Trung tâm nỗ lực này của Trung Quốc là khả năng tự sản xuất chip điện tử, đầu tư phát triển trí tuệ nhân tạo, xây dựng mạng lưới 5G và sản xuất các phương tiện tự động.
Các cố vấn chính phủ ở Bắc Kinh cho rằng chính quyền ông Biden sẽ tiếp tục gây sức ép lên Trung Quốc về các vấn đề nhân quyền tại Hong Kong (Trung Quốc) và Tân Cương, cũng như sẽ tiếp tục bán vũ khí cho Đài Loan (Trung Quốc).
"Lập trường của ông Biden về các vấn đề như Đài Loan, Tân Cương, Hong Kong và Biển Đông có thể sẽ nhất quán với Tổng thống Trump", Shi Yinhong, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Mỹ tại Đại học Renmin của Trung Quốc và là một cố vấn của chính phủ Trung Quốc cho hay.
Trong suốt chiến dịch tranh cử, ông Biden không đề cập cụ thể đến những chính sách dưới thời Tổng thống Trump mà ông sẽ thay đổi. Ông cũng không cam kết sẽ chấm dứt thỏa thuận thương mại "giai đoạn 1" mà chính quyền ông Trump đạt được với Trung Quốc hồi tháng 1 hoặc dừng các biện pháp trừng phạt thuế quan hiện nay. Ông Biden cũng trao đổi rất ít về việc liệu ông có cho phép Huawei mua bán chip điện tử hoặc cho phép TikTok truy cập dữ liệu của người sử dụng Mỹ hay không.
Tony Blinken, một cố vấn cấp cao của ông Biden, người được cho là có thể trở thành Ngoại trưởng nếu ông Biden thành Tổng thống nhận định hồi tháng 9 rằng ông Biden sẽ sử dụng các biện pháp thuế quan khi cần thiết và tìm kiếm sự cam kết từ phía Trung Quốc với vấn đề trợ cấp và trộm cắp sở hữu trí tuệ - những lĩnh vực chưa thể giải quyết dưới thời chính quyền ông Trump sau khi 2 bên nhiều lần không đạt được thỏa thuận.
Về vấn đề công nghệ, ông Biden cũng có cùng mối lo ngại về an ninh quốc gia như ông Trump. Do đó, chính quyền ông Biden có thể tiếp tục duy trì những nỗ lực nhằm kiềm chế việc tiếp cận tài sản sở hữu trí tuệ và dữ liệu của Mỹ với một số công ty công nghệ Trung Quốc.
Dù vậy, các chính sách thương mại dưới thời ông Biden sẽ "ít hỗn loạn và dễ đoán hơn", Wendy Cutler, cựu quan chức thương mại cấp cao dưới thời chính quyền Tổng thống Obama, hiện là Phó Chủ tịch Viện chính sách châu Á đánh giá.
"Quan trọng nhất, chính quyền ông Biden sẽ tìm cách cùng với các nước khác xây dựng phản ứng tập thể với Trung Quốc thay vì tiến hành các hành động đơn phương, vốn chủ yếu là thất bại cho tới nay", chuyên gia này cho hay./.