Thỏa thuận Ngừng bắn toàn quốc này đánh dấu hướng tới sự kết thúc của hơn 60 năm xung đột dân sự tại Myanmar.
Lễ ký Thỏa thuận ngừng bắn toàn quốc diễn ra tại Trung tâm hội nghị quốc tế Myanmar. Tham dự lễ ký có đại diện chính phủ gồm Tổng thống U Thein Sein, các phó tổng thống, lãnh đạo quân đội, Chủ tịch Hạ viện và Thượng viện, cùng các thủ lĩnh của 8 nhóm vũ trang.
Tổng thống Myanmar Thein Sein (ở giữa) bắt tay với một nhà ngoại giao trong buổi lễ ký kết "Hiệp định Ngừng bắn toàn quốc" tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế Myanmar ở Naypyitaw. (ảnh: AP). |
Chứng kiến lễ ký là các đại diện từ Liên Hợp Quốc, Liên minh châu Âu, Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan và Nhật Bản. Phát biểu tại buổi lễ ký kết, Tổng thống U Thein Sein mô tả thỏa thuận ký kết hôm nay là một cột mốc lịch sử: "Hôm nay là một ngày lịch sử rất quan trọng đối với Myanmar. Kể từ khi đất nước giành độc lập, vẫn còn nhiều cuộc xung đột vũ trang nổ ra. 10.000 người đã thiệt mạng trong cuộc xung đột này. Hàng trăm ngàn người đang sống trong các khu vực xung đột đã phải bị ảnh hưởng nặng nề bởi hậu quả của các cuộc xung đột. Vì vậy, với thỏa thuận này chúng ta đã có thể khởi động một con đường mới cho một tương lai hòa bình của đất nước".
Trước đó, ngày 13/10, Chính phủ Myanmar đã đưa 5 nhóm vũ trang ra khỏi danh sách các tổ chức bất hợp pháp. Các nhóm vũ trang trên bao gồm Hội đồng Hoà bình Quân đội Giải phóng Quốc gia Kayin (KNLA-PC), Tổ chức Giải phóng Dân tộc PNLO, Mặt trận Quốc gia Chin (CNF), đảng Giải phóng Arakan (ALP) và Đội quân Dân chủ Phật giáo Kayin (DKBA).
Trước đó một ngày, đã có ba nhóm vũ trang được ra khỏi danh sách trên là Liên minh Sắc tộc quốc gia Kayin (KNU), Mặt trận Dân chủ sinh viên toàn Myanamr (ABSDF) và Hội đồng Khôi phục nhà nước bang Shan (RCSS). Đây cũng chính là 8 nhóm đã nhất trí ký kết Thỏa thuận Ngừng bắn toàn quốc (NCA) với Chính phủ Myanmar.
Ngày 31/3 vừa qua, Ủy ban Công tác kiến tạo hòa bình liên bang (UPWC) và Nhóm Điều phối ngừng bắn quốc gia (NCCT) của các nhóm sắc tộc thiểu số vũ trang đã ký dự thảo Thỏa thuận ngừng bắn toàn quốc sơ bộ sau hơn 1 năm đàm phán. Theo dự thảo trên, sau khi Thỏa thuận ngừng bắn toàn quốc được ký chính thức, hai bên sẽ đưa ra một khung chính trị trong vòng 60 ngày và tiến hành đối thoại chính trị trong vòng 90 ngày.
Tuy nhiên, hiện vẫn còn 7 nhóm phiến quân khác chưa chấp nhận thỏa thuận hòa bình với chính quyền. Trong đó có những nhóm phiến quân lớn nhất, hoạt động mạnh nhất như Tổ chức Độc lập Kachin (KIO), đang kiểm soát phần lớn lãnh thổ bang Kachin hay nhóm Quân đội bang Wa (UWSA), nhóm có quân số lớn nhất.
Tuy nhiên, một đại diện đàm phán của Chính quyền Myanmar cho biết việc ký kết thỏa thuận với 7 nhóm phiến quân còn lại sẽ sớm diễn ra. Các nhóm này hiện đã ký thỏa thuận sơ bộ với chính quyền.
Tiến trình đàm phán hoà bình của Myanmar bắt đầu từ tháng 11/2003 khi Ủy ban Công tác kiến tạo hòa bình liên bang và Nhóm Điều phối ngừng bắn quốc gia gặp nhau ở Myitgyina, thủ phủ bang Kachin.
Đây là lần đầu tiên một thoả thuận ngừng bắn trên toàn quốc được thảo luận. Vòng đàm phán thứ 9, và cũng là cuối cùng giữa Ủy ban Công tác kiến tạo hòa bình liên bang và Nhóm Điều phối ngừng bắn quốc gia diễn ra tại Yangon hồi tháng 8 vừa qua./.