James Clapper, Giám đốc cơ quan Tình báo quốc gia (DNI) và Ray Odierno, Tham mưu trưởng lục quân Mỹ đã công khai chỉ trích, cũng như cảnh báo những tác động của việc chính phủ Mỹ ngừng hoạt động.

james-clapper.jpg
Giám đốc cơ quan Tình báo quốc gia (DNI) James Clapper phát biểu tại Thượng viện (Ảnh: AP)

Ông Clapper cho rằng, việc các nhân viên phải nghỉ việc không lương sẽ tạo ra “miền đất hứa” để các cơ quan gián điệp nước ngoài có cơ hội tuyển dụng những nhân viên này.

"Tôi chưa bao giờ chứng kiến một điều tương tự như vậy. Theo quan điểm của tôi, việc chia sẽ sâu sắc trong nội bộ những người lãnh đạo đất nước sẽ đe dọa nghiêm trọng đến an ninh quốc gia", Giám đốc DNI phát biểu tại phiên điều trần ngày 2/10 của Ủy ban Tư pháp Thượng viện - vốn được dự định thảo luận về quyền hạn giám sát của NSA.

Ông Clapper cũng cho biết, khoảng 70% nhân viên tình báo đã bị buộc phải nghỉ không lương, trong đó có 4.000 chuyên gia máy tính.

"Điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng toàn cầu của chúng ta trong việc hỗ trợ quân đội, ngoại giao cũng như hoạch định chính sách. Điều nguy hiểm nhất ở đây là những thiệt hại sẽ ngấm ngầm tích lũy theo thời gian. Mỗi ngày trôi qua sẽ làm gia tăng nguy cơ", ông Clapper nói.

Giám đốc DNI cũng cho biết, hiện cơ quan tình báo đang tự xây dựng cơ chế tài chính cho nhân viên của mình tại thời điểm dễ bị tổn thương này.

"Đây là “thời điểm trong mơ” cho các cơ quan tình báo nước ngoài có thể tuyển dụng điệp viên, đặc biệt là khi nhân viên của chúng tôi phải nghỉ việc và đối mặt với những khó khăn về tài chính", ông Clapper nói.

Trong khi đó, Tướng Ray Odierno nói rằng, việc đóng cửa chính phủ lần đầu tiên kể từ năm 1996 sẽ "tác động đáng kể đến hoạt động hằng ngày" của quân đội Mỹ.

"Càng ngày, tình hình sẽ càng tồi tệ hơn. Mỗi ngày trôi qua, chúng ta đang dần mất đi nguồn nhân lực cũng như khả năng, sức mạnh của quân đội", Tham mưu trưởng lục quân Mỹ nói với Reuters.

Hiện quân đội Mỹ đang cho nghỉ phép những nhân viên "không thật cần thiết", đặc biệt là những người không tham gia vào các hoạt động trực tiếp ở nước ngoài.

Việc chính phủ Mỹ đóng cửa đã buộc 800.000 nhân viên chính phủ phải nghỉ việc bắt đầu từ hôm 1/10, sau khi Quốc hội không đồng ý được về ngân sách. Bất đồng chính giữa đảng Dân chủ và Cộng hòa hiện xoay quanh chương trình cải tổ y tế của Tổng thống Obama (Obamacare).

Thượng nghị sĩ Ted Cruz, một trong những người phản đối mạnh mẽ nhất chương trình Obamacare đã nói rằng, Quốc hội nên thông qua một đạo luật sửa đổi đặc biệt, trong đó nhấn mạnh quân đội và các dịch vụ an ninh sẽ không bị ảnh hưởng khi chính phủ phải ngừng hoạt động.

Trước đó, hôm 1/10, phát biểu trong chuyến công du châu Á, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel cho biết, việc chính phủ Mỹ phải đóng cửa sẽ khiến khoảng một nửa số nhân viên dân sự của Lầu Năm Góc phải nghỉ việc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiệm vụ của Mỹ trên toàn thế giới và ảnh hưởng đến niềm tin của các quốc gia đồng minh./.