Ngày 1/7 Chính phủ Cộng hòa Séc khẳng định nước này sẽ không tổ chức bất kỳ một cuộc trưng cầu ý dân nào về quy chế thành viên của mình đối với Liên minh châu Âu (EU) hay Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) như gợi ý trước đó của Tổng thống nước này, ông Milos Zeman.
Tổng thống Milos Zeman. Ảnh: Reuters. |
Trong một thông báo được phát đi từ Văn phòng chính phủ của Thủ tướng Bohuslap Sobotka, người phát ngôn của chính phủ, ông Martin Ayrer, nói rằng phát triển mối quan hệ với Liên minh châu Âu và NATO luôn được coi là ưu tiên trong chính sách đối ngoại lâu dài của Chính phủ Cộng hòa Séc. Ông khẳng định việc tham gia vào hai tổ chức trên giúp Cộng hòa Séc đảm bảo duy trì ổn định kinh tế và an ninh quốc gia. Vì vậy Cộng hòa Séc sẽ không có bất kỳ động thái nào hoài nghi về quy chế thành viên của mình đối với cả Liên minh châu Âu và NATO.
Tuyên bố này của chính phủ đã phản bác đề xuất trước đó của Tổng thống Milos Zeman ủng hộ tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân về quy chế thành viên của Cộng hòa Séc đối với Liên minh châu Âu và NATO để người dân bày tỏ nguyện vọng của mình. Tuy nhiên, Tổng thống Zeman nói rằng ông phản đối bất kỳ ai có ý định rời bỏ Liên minh châu Âu, và nếu một cuộc trưng cầu ý dân được tiến hành, bản thân ông cũng sẽ nói Không với việc rời khối này. Theo tổng thống Zeman, Cộng hòa Séc được hưởng lợi nhiều từ Liên minh châu Âu kể từ khi tham gia Liên minh châu Âu năm 2004 và không có lý do gì Séc lại muốn chia tay tổ chức này.
Cùng ngày, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Andrej Babis, người hiện là lãnh đạo của Phong trào ANO trong liên minh cầm quyền của chính phủ, cho rằng nói Không với Liên minh châu Âu sẽ là một thảm họa đối với Cộng hòa Séc.
Tổng thống Milos Zeman đề xuất ý tưởng của mình chỉ một tuần sau khi Anh tiến hành cuộc trưng cầu ý dân, trong đó người dân lựa chọn chia tay Liên minh châu Âu sau hơn bốn thập kỷ gắn bó. Tại Cộng hòa Séc, Tổng thống Zeman là một nhà lãnh đạo có tầm ảnh hưởng lớn trong đời sống chính trị nước này, nhưng không có quyền tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân. Năm ngoái, Chính phủ đệ trình một dự án luật về tổ chức các cuộc trưng cầu ý dân tại Cộng hòa Séc, và dự án luật này cần phải có sự ủng hộ của ít nhất 3/5 các nghị sĩ tại hai viện của Quốc hội trước khi được thực thi trên thực tế.
Vài tháng trước, phát biểu tại Hạ viện, Tổng thống Zeman đề nghị các nghị sĩ nên thông qua dự án luật trên. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, để đạt được một tỉ lệ phiếu ủng hộ cao như vậy tại hai viện của Quốc hội là một điều khó xảy ra./.