Hôm nay (9/7), Chính phủ Anh đã chính thức bác bỏ kiến nghị của 4,1 triệu người người ký tên, kêu gọi tiến hành trưng cầu ý dân lần thứ hai về tư cách thành viên của nước này trong Liên minh châu Âu (EU).
Ngày 23/6 vừa qua, 52% cử tri Anh đã bỏ phiếu ủng hộ Vương quốc Anh rời khỏi mái nhà chung châu Âu, trong khi 48% phản đối. Những người ký kiến nghị muốn tổ chức lại cuộc trưng cầu ý dân về việc Anh ở lại hay rời khỏi EU.
Một nhóm phụ nữ ở Gibraltar, vùng lãnh thổ thuộc Anh, đứng trước văn phòng chiến dịch vận động "Gibraltar mạnh hơn khi ở trong châu Âu" (Ảnh: Reuters) |
Theo đó, họ kêu gọi Chính phủ Anh thực hiện quy định nếu số người ủng hộ ở lại hay rời khỏi EU ít hơn 60% trong tổng số người dân đi bỏ phiếu dưới 75% thì cần tiến hành một cuộc trưng cầu ý dân khác. Tuy nhiên, Chính phủ Anh tuyên bố Luật trưng cầu ý dân của EU mà Quốc hội nước này đã thông qua không quy định giới hạn tỷ lệ tối thiểu người dân đi bỏ phiếu.
Bộ Ngoại giao Anh cho biết Thủ tướng David Cameron và Chính phủ Anh khẳng định đây là cuộc bỏ phiếu chỉ tiến hành một lần và quyết định này cần phải được tôn trọng. Vì thế, Chính phủ Anh đang chuẩn bị cho quá trình rời khỏi liên minh châu Âu, đồng thời cam kết sẽ đảm bảo những kết quả tốt nhất có thể cho người dân Anh trong các cuộc đàm phán sắp tới với Liên minh châu Âu.
Trong khi đó, cả hai nữ ứng viên được chọn cho chức Thủ tướng Anh là Bộ trưởng Nội vụ Theresa May và Bộ trưởng Năng lượng Andrea Leadsom của Đảng Bảo thủ cũng cho rằng không nên đề cập kết quả cuộc trưng cầu ý dân ngày 23/6 mà cần nhanh chóng thực hiện việc chuyển giao Brexit (Anh rời khỏi Liên minh châu Âu).
Mặc dù vậy, những người muốn Anh ở lại EU vẫn tiếp tục hi vọng rằng sẽ có cách nào đó chống lại Brexit./.