Đối với cánh tả cầm quyền tại Pháp, có một nghịch lý đang tồn tại: chiến thắng của Francois Fillon bên cánh hữu vừa là tin tốt với các đối thủ của Francois Hollande, vừa là tin tốt cho chính vị Tổng thống này.

Chiến thắng của Fillon – Tín hiệu tưởng không dễ chịu

Thoạt nhìn, số phiếu áp đảo dành cho Francois Fillon ở vòng 1 bầu cử sơ bộ cánh hữu, mà rất có thể sẽ tái hiện ở vòng 2 ngày 27/11, mang đầy đủ những tín hiệu không dễ chịu đối với ông Francois Hollande: Đó là thất bại cay đắng đối với ông Nicolas Sarkozy, một kình địch cùng thế hệ với Tổng thống Pháp.

Nó sẽ rất nhanh chóng được diễn giải theo hướng sau: Cử tri Pháp đã chán các gương mặt cũ và không muốn cuộc bầu cử Tổng thống năm sau là cuộc chơi đã biết trước mọi người chơi. Tức là, nếu ông Nicolas Sarkozy đã bị loại thì một người đang có uy tín rất thấp như ông Hollande cũng không nên níu kéo.

gettyimages_621961510_714x500_svgc.jpg
Ứng cử viên Francois Fillon đang tạo ra những bất ngờ trong cuộc chạy đua vào chiếc ghế Tổng thống Pháp năm 2017. Ảnh: Philippe Huguen/AFP via Getty Images
Có cả một ví dụ trước đó nữa: trong cuộc bầu cử ở đảng Xanh, Cecile Duflot, một gương mặt quen thuộc và là cựu Bộ trưởng trong chính quyền của ông Hollande, cũng thất bại.

Những người đang nghi ngờ khả năng của ông Hollande, và nhất là phe ủng hộ Thủ tướng Manuel Valls sẽ đặc biệt nhấn mạnh đến chi tiết này. Họ sẽ lý giải rằng, sau thất bại bẽ bàng của một chính khách sừng sỏ như ông Nicolas Sarkozy, sẽ là rất mạo hiểm nếu cánh tả để ông Francois Hollande tiếp tục đại diện ra tái tranh cử. Ông Manuel Valls sẽ ở vị trí thích hợp hơn để làm điều đó.

… song vẫn là một tin tốt lành

Nhưng về sâu xa, đối với ông Francois Hollande thì thất bại của ông Nicolas Sarkozy ở vòng 1 và rất nhiều khả năng là của Alain Juppé ở vòng 2 ngày 27/11 tới, là một tin tức tốt lành.

Nói chính xác hơn thì việc ông Francois Fillon bỗng bứt phá trở thành ứng cử viên số 1 của cánh hữu thay cho bộ đôi Sarkozy-Juppé đã làm sống lại hy vọng tiếp tục theo đuổi cuộc đua giữ ghế Tổng thống của ông Hollande.

Có ít nhất 3 lý do cho sự lạc quan, dù có thể vẫn tương đối mơ hồ, của ông Francois Hollande khi đối thủ trước mắt là Francois Fillon:

Thứ nhất, chiến thắng gây sốc của Francois Fillon là một bằng chứng cho thấy các cuộc thăm dò dư luận không phải lúc nào cũng đáng tin cậy. Trong nhiều tháng trước ngày 20/11, chưa khi nào Fillon nhận được dự đoán sẽ có số phiếu vượt quá 10%. 1 tháng trước, con số này tăng lên 12% và 2 ngày trước khi bỏ phiếu vòng 1, lên 30%. Kết quả: Fillon nhận được 44,1% số phiếu.

Sai số quá lớn này khiến độ tin cậy của các cuộc thăm dò bị tổn hại và Francois Hollande có thể dựa vào lý lẽ này để tự bảo vệ mình trước các công kích trong nội bộ rằng ở mức tín nhiệm chỉ khoảng 10% của dân Pháp thì không nên ra tranh cử và nếu có tranh cử thì sẽ bị loại ngay từ vòng 1.

Từ Brexit, qua Donald Trump và giờ đến Fillon, các hãng thăm dò dư luận uy tín lâu đời ở phương Tây đang trải qua những ngày tồi tệ và càng ngày ảnh hưởng của nó đến lá phiếu cử tri càng ít đi.

Các đối thủ của Hollande bên cánh tả sẽ không khó có thể tiếp tục sử dụng các con số thăm dò dư luận như một vũ khí lợi hại để ngăn cản Hollande.

Thứ hai, Francois Fillon không phải là một hình mẫu có quá nhiều khác biệt. Đó là một chính trị gia truyền thống, tương đối khô khan và theo đuổi một chương trình tranh cử không thể nói là quá ấn tượng.

Quan trọng nhất, đó là một con người cũ của hệ thống, vì đã có 5 năm làm Thủ tướng và nhiều năm làm Bộ trưởng. Một ứng cử viên như thế, về cơ bản, không khác Hollande của năm 2012 và khi Fillon có thể thu hút đông đảo lá phiếu cử tri thì Hollande cũng có lí do để tin rằng mình có thể làm được điều đó.

Việc hơn 4 triệu cử tri Pháp đi bầu và 44% trong số đó lựa chọn một ứng cử viên cánh hữu truyền thống là bằng chứng cho thấy các đảng phái truyền thống ở Pháp vẫn có khả năng huy động một lượng lớn cử tri trung thành.

Với Hollande, đó là điều tốt vì nó sẽ giảm bớt sự lo ngại rằng các ứng cử viên “khác lạ ” như Emmanuel Macron hay “đổi mới” như Manuel Valls có thể huy động lợi thế qua những kênh truyền thông hiện đại khác như mạng xã hội mà bỏ qua các cách thức truyền thống.

Ví dụ thuyết phục đến từ chính cánh hữu: Bruno Le Maire, trong một thời gian khá dài được xem là gương mặt trẻ đang lên của cánh hữu, chỉ đứng thứ 4 vòng sơ bộ với số phiếu ít ỏi chưa bằng số lẻ của Francois Fillon (2,5%).

Và, lý do cuối cùng có thể củng cố sự tự tin của Francois Hollande: Alain Juppé khả năng rất lớn sẽ thất bại trước Fillon ở vòng 2. Nếu Alain Juppé thắng, Hollande sẽ phải suy nghĩ rất kỹ nếu muốn ra tái tranh cử bởi nếu tính toàn bộ cử tri Pháp thuộc mọi đảng phái và xu hướng chính trị, Alain Juppé vẫn là ứng cử viên có uy tín cao nhất.

Dù thuộc cánh hữu nhưng Juppé được xem là ứng cử viên có khả năng tập hợp đông đảo cử tri cánh tả và trung dung nhờ các quan điểm tương đối ôn hòa. Việc Juppé giành phiếu cao ngày 20/11 vừa qua ở nhiều tỉnh thuộc vùng Seine Saint-Denis, vốn là thánh địa của cánh tả, là một minh chứng.

Tổng thống đương nhiệm Francois Hollande. (Ảnh: AP).
Vì thế, nếu vượt qua được các rào cản ngay trong nội bộ cánh hữu, Alain Juppé sẽ là đối thủ rất khó vượt qua đối với Hollande. Nhưng với xu thế đang lên của Fillon, khả năng thất bại của Alain Juppé là rất cao.

Nhiều cố vấn thân cận của Hollande nhận định: Cả về hình thức lẫn nội dung tranh cử, Fillon là đối thủ trong tầm tay của Hollande. Fillon là một đại diện cánh hữu truyền thống điển hình và đó không phải là điều Hollande lo sợ.

Tận dụng tình hình

Giờ là lúc Hollande cần nhanh chóng tận dụng tình hình bên cánh hữu theo hướng có lợi cho mình.

Thách thức lớn nhất: Âm thầm chuẩn bị nhưng không để cho các đối thủ, nhất là Thủ tướng Manuel Valls, huy động được lượng lớn cử tri cánh tả đi bầu vào tháng 1 tới. Đó thực ra là bài học từ thất bại của Nicolas Sarkozy. Càng ít cử tri cánh tả đi bầu, lượng phản đối Hollande càng ít đi.

Hay tốt nhất, là có thể dùng vị thế đương kim Tổng thống của mình để tự ra ứng cử mà không phải trực tiếp tham gia một vòng sơ bộ cánh tả không chỉ nhiều rủi ro mà còn tổn hại rất nhiều đến hình ảnh của một nguyên thủ quốc gia. Ông Hollande có thời gian đến 15/12 để toan tính mọi việc./.