Hiện các bên đối địch Libya đang tập hợp quân lên tuyến đầu, để chuẩn bị cho một trận chiến lớn. Trong khi đó, các quốc gia liên quan cũng đang đưa thêm quân cũng như cung cấp các loại vũ khí quân sự tinh vi hơn cho bên Libya mà họ ủng hộ. Chiến sự Libya thực sự đang nhen nhóm và trực chờ bùng nổ.
Chiến sự Libya bước sang ngã rẽ mới với sự can thiệp “chưa từng có” từ bên ngoài khi các bên liên quan đưa thêm quân và vũ khí quân sự tinh vi đến đây. Ảnh: Reuters |
Phát biểu trong cuộc họp trực tuyến của Hội đồng Bảo an, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres hôm qua (8/7) nhận định, chiến sự Libya đã bước sang 1 giai đoạn mới, chia rẽ nghiêm trọng, với sự can thiệp của nước ngoài ở mức độ chưa từng có.
“Thời gian đang không đứng về phía chúng ta tại Libya. Cuộc xung đột tại quốc gia này đã bước sang giai đoạn mới với sự can thiệp của nước ngoài đã đạt đến mức độ chưa từng thấy, bao gồm cả việc cung cấp các loại vũ khí tinh vi và số lượng lính đánh thuê tham gia chiến đấu”.
Ông Guterres cho rằng, hành động can thiệp quân sự của các nước vào Libya đã vi phạm lệnh cấm vũ khí của Liên Hợp Quốc, vi phạm các cam kết của các nước tại hội nghị quốc tế về Libya tại Berlin, Đức hồi tháng 1 năm nay.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc cũng bày tỏ sự quan ngại trước việc các bên đối địch Libya đang điều quân lên tuyến đầu – khu vực giữa 2 thành phố Misrata và Sirte, để chuẩn bị cho trận chiến lớn. Đáng chú ý, nếu thành phố nhiều dầu mỏ Sirte, hiện đang do các lực lượng vũ trang miền Đông Libya kiểm soát, bị tấn công cũng chính là lúc Ai Cập đưa quân đội can dự trực tiếp vào Libya.
Trước diễn biến này, trong cuộc họp của Hội đồng Bảo an, đại diện của Mỹ đã lên tiếng phản đối mọi sự can thiệp của lực lượng nước ngoài tại Libya; trong khi Đại sứ Nga kêu gọi các nước liên quan đến tình hình chiến sự Libya thúc đẩy 1 lệnh ngừng bắn ngay lập tức.
Hiện Nga, Ai Cập và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) được cho là đang ủng hộ chính quyền miền Đông Libya do Tướng Khalifa Haftar lãnh đạo. Trong khi Thổ Nhĩ Kỳ lại hậu thuẫn mạnh cả về chính trị và quân sự cho Chính phủ Đoàn kết Dân tộc Libya, được quốc tế công nhận.
Theo Ngoại trưởng UAE Anwar Gargash, hiện có khoảng 10.000 lính đánh thuê từ Syria được Thổ Nhĩ Kỳ mang sang Libya chiến đấu – cao gấp 2 lần so với 6 tháng trước.
Dù vấn đề Libya được đem ra thảo luận khá chi tiết tại Hội đồng Bảo an hôm qua, song các nước can dự vào Libya thực tế vẫn chưa thể thống nhất được 1 giải pháp cho cuộc xung đột, đồng thời vẫn đổ lỗi cho nhau về những căng thẳng hiện nay.
Bất chấp những cảnh báo can thiệp quân sự từ Ai Cập, chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya vẫn đang điều động quân đội tiến về thành phố Sirte, khẳng định “không có bất kỳ lằn ranh đỏ nào” mà Ai Cập đưa ra là hợp lý, ngoài đường biên giới giữa 2 nước. Trận chiến Sirte thực sự đang nhen nhóm và dự báo sẽ rất khốc liệt nếu xảy ra khi các bên liên quan không tìm được tiếng nói chung về 1 lệnh ngừng bắn cũng như 1 giải pháp chính trị lâu dài cho cuộc xung đột./.