Trong bài phát biểu vừa qua tại Viện Lowy ở thành phố Sydney, Thủ tướng Jullia Gillard chính thức giới thiệu chiến lược mới của Australia đối với châu Á.

Chiến lược này được thể hiện trong Sách trắng “Australia trong Thế kỷ châu Á” dày 312 trang, đề ra 25 mục tiêu. Trong đó nhấn mạnh đến năm 2015, Australia trở thành một trong số 10 nước có thu nhập GDP tính theo đầu người cao nhất thế giới. (Theo Quỹ Tiền Tệ Quốc tế (IMF), Australia hiện đang xếp thứ 13).

Australia cũng đặt mục tiêu thúc đẩy phát triển 1/3 nền kinh tế thông qua thương mại với châu Á so với mức 1/4 như hiện nay. Trong đó, Australia ưu tiên hợp tác kinh tế với Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc.

thu-tuong-2.jpg
Thủ tướng Jullia Gillard phát biểu tại lễ công bố Sách trắng "Australia trong Thế kỷ châu Á” (Ảnh: BBC)

Thời cơ “vàng” để Australia phát triển

Sở dĩ Thủ tướng Jullia Gillard ưu tiên châu Á trong phát triển của Australia là bởi, khu vực này đang được coi là có sự trỗi dậy rất lớn. Australia sẽ được hưởng lợi từ đầu tư và thúc đẩy thương mại vào châu Á. Trong buổi công bố cuốn Sách trắng “Australia trong Thế kỷ châu Á”, Thủ tướng Jullia Gillard nhấn mạnh: “Châu Á đang gây kinh ngạc cả về quy mô và tốc độ vươn lên. Nếu chỉ dựa vào lợi thế của việc xuất khẩu tài nguyên thiên nhiên thì không đủ, tương lai của Australia sẽ được định đoạt bởi những lựa chọn và cách thức Australia hòa nhập với khu vực châu Á. Khi châu Á đang ở giai đoạn trở thành nơi tập trung phần lớn tầng lớp trung lưu của thế giới trong 20 năm tới, thì đây là thời điểm lịch sử để nắm lấy cơ hội”.

Tầng lớp trung lưu châu Á được dự báo vượt con số 2,5 tỷ người vào năm 2030 và chiếm khoảng 60% lượng tiêu thụ, sở hữu hàng hóa của tầng lớp trung lưu toàn cầu.

Theo Bộ trưởng Ngân sách Australia Wayne Swan, cuối thập kỷ này, châu Á sẽ trở thành khu vực lớn nhất thế giới về sản xuất và tiêu dùng, vượt cả sản lượng kinh tế châu Âu và Bắc Mỹ cộng lại. Dự báo, tài sản cá nhân trung bình ở châu Á tăng gấp đôi vào năm 2025.

Trưởng ban Nghiên cứu và Soạn thảo Sách trắng “Australia trong Thế kỷ châu Á” là Tiến sĩ Ken Henry, một chuyên gia kinh tế có tiếng của Australia nhận định: “Lịch sử chưa từng có một sự biến đổi kinh tế nhanh chóng và rộng lớn như hiện nay. Sự trỗi dậy của châu Á đang thực sự thay đổi cả thế giới”.

Trong hai thập niên vừa qua, Australia đã phát triển mạnh mẽ nhờ vào sự phát triển của ngành khai khoáng. Australia ít chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 và đã vượt qua được cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2010. Đó là do những nước đang phát triển tại châu Á-Thái Bình Dương, đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ luôn cần nguyên liệu khai khoáng nhập từ Australia.

Tuy nhiên, Australia không thể mãi dựa vào ngành công nghiệp khai khoáng như trước đây và phải tìm cách đa dạng hóa hoạt động thương mại. Australia cần phát huy các ngành công nghệ thay thế, đặc biệt là các ngành dịch vụ mà nước này nổi tiếng đạt tiêu chuẩn cao như: giáo dục, tài chính ngân hàng, xây dựng và du lịch…

Theo số liệu thống kê, trong khi ngành khai khoáng chỉ sử dụng 7% nguồn nhân lực Australia, thì các ngành dịch vụ sử dụng đến 80% lao động nước này.

Để đưa mục tiêu đến năm 2015, trở thành 1 trong 10 nước có thu nhập GDP tính theo đầu người cao nhất thế giới, Australia có thể đẩy mạnh thúc đẩy hợp tác, phát triển hệ thống du lịch, nông nghiệp và giáo dục sang các nước châu Á. Ngoài ra, Australia còn có thể đẩy mạnh xuất khẩu khai khoáng phục vụ cho các nước châu Á. Australia cũng khuyến khích khu vực châu Á đầu tư vào nước này nhưng vẫn sẽ dưới sự kiểm soát từ phía Chính phủ.

Hiện Australia đang là thành viên của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) và là 1 trong 11 quốc gia đang đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương nhằm tự do hóa thương mại trong khu vực.

Kể từ đầu những năm 70 của thế kỷ trước, Australia đã thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc và Nhật Bản. Những Thủ tướng tiền nhiệm như Bob Hawke, Paul Keating… đã xây dựng mối quan hệ với châu Á. Với chính sách mới mà Australia đưa ra trong Sách trắng sẽ góp phần củng cố và ngày càng thắt chặt mối quan hệ kinh tế giữa nước này với khu vực châu Á. Hiện nay, ở khu vực châu Á, Trung Quốc đang trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Australia (vượt qua cả Nhật Bản, Mỹ và Hàn Quốc).

Còn theo số liệu của Chính phủ Australia, Ấn Độ hiện là thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn thứ 4 của nước này. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Australia Martin Ferguson cho biết, trong 6 tháng của năm 2011, giao dịch thương mại, hàng hóa song phương giữa hai nước đạt 21 tỷ USD, chủ yếu dựa trên doanh số bán than đá và vàng.

Australiađang cố dung hòa quan hệ với Trung Quốc

Khi công bố Sách trắng với chiến lược chính sách toàn diện mang tên “Australia trong thế kỷ châu Á”, Thủ tướng Jullia Gillard đã nhấn mạnh đến sự hợp tác với một số nước đang nổi lên trong khu vực như: Trung Quốc, Ấn  Độ, Nhật Bản và duy trì quan điểm thắt chặt mối quan hệ với Mỹ.

Từ lâu nay, Mỹ và Australia có sự hợp tác trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là vấn đề quốc phòng. Hiện Mỹ đang tăng cường sự hiện diện quân đội tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương khi triển khai 2.500 thủy quân lục chiến ở phía Bắc thành phố Darwin (Australia).

Thủ tướng Australia Julia Gillard nhiều lần khẳng định, việc Mỹ và Australia hợp tác quân sự là nhằm thúc đẩy hòa bình và ổn định trong khu vực, đồng thời tạo cơ hội cho hai nước này tăng cường hợp tác với các đối tác trong khu vực.

Tuy nhiên, tại lễ công bố Sách trắng “Australia trong Thế kỷ châu Á” diễn ra ở Viện Lowy, Thủ tướng Julia Gillard tuyên bố, Australia sẽ không chấp nhận các chính sách nhằm kiềm chế sự phát triển quân sự của Trung Quốc.

Thay vào đó, Australia có thể vừa cân bằng các mối quan hệ quân sự với Mỹ, trong khi vẫn ủng hộ nền quân sự đang ngày càng mạnh lên của Trung Quốc.

Tuyên bố trên của Thủ tướng Australia Julia Gillard đưa ra xem ra rất khôn ngoan với hàm ý là không muốn xảy ra sự hiểu lầm, gây mâu thuẫn trong quan hệ giữa nước này với Mỹ và Trung Quốc. Đặc biệt là khi Sách trắng “Australia trong Thế kỷ châu Á” vừa chính thức được công bố.

Dù tuyên bố từ phía người đứng đầu Chính phủ Australia đưa ra có như thế nào thì Trung Quốc cũng vẫn hoài nghi về chiến lược mới của Australia đối với châu Á. Bởi Trung Quốc được coi là nước đang nổi lên trong khu vực châu Á. Chiến lược mới của Australia đối với châu Á có thể tác động đến sự phát triển của Trung Quốc trong tương lai. Chính vì vậy, để dung hòa mối quan hệ với Trung Quốc và Mỹ, Australia đang xem xét lại tầm nhìn chiến lược quốc phòng mới và dự kiến sẽ được công bố vào giữa năm 2013.

Nếu như Tiến sĩ Ken Henry, chuyên gia nghiên cứu về kinh tế của Australia cho rằng, từ nay đến năm 2025, Australia có thể thực hiện tham vọng cạnh tranh hiệu quả về kinh tế với các nước trong khu vực châu Á thì ông Tim Harcourt, chuyên gia kinh tế thuộc Ủy ban Thương mại Australia nhấn mạnh, khi “nhắm” đến khu vực châu Á, Australia cần phải chú trọng mối quan hệ với Trung Quốc. 

Theo ông Tim Harcourt, trước kia, Nhật Bản đã từng vượt qua nước Anh trở thành nền kinh tế tác độn lớn tới kinh tế thế giới, thì nay đến lượt Trung Quốc lại “tiếm ngôi” Nhật Bản. Chính vì vậy, khi thực hiện chiến lược mới ở châu Á, Australia cần phải thích nghi với sự thay đổi đó cho mô hình phát triển kinh tế của nước mình. Sự phát triển của các nước ASEAN cộng thêm sự nổi lên của một số nước ở châu Á như Trung Quốc và Ấn Độ sẽ là cơ hội cho Australia thực hiện được chiến lược mới của mình.

Để sự chuyển đổi kinh tế thành công, Australia cần phải thay đổi tầm nhìn về châu Á, tăng cường học hỏi các ngôn ngữ và văn hóa châu Á. Bởi theo ông Frank Tudor, Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Australia-Trung Quốc dẫn lời Đại sứ Trung Quốc tại Australia Chen Yuming cho rằng, có một khoảng cách lớn về sự hiểu biết, hòa đồng giữa hai nước. Australia chưa hiểu nhiều về Trung Quốc.

Khi công bố cuốn Sách trắng “Australia trong Thế kỷ châu Á”, chắc hẳn Australia đã lường trước được những khó khăn và thách thức đang chờ đợi. Chiến lược mới của Australia đối với châu Á có thành công hay không còn phụ thuộc rất nhiều vào mối quan hệ giữa nước này với các nước trong khu vực, đặc biệt là tạo được niềm tin với Trung Quốc./.