TheoSputnik News, chi phí này dự kiến lên đến 93 tỷ USD và các tàu ngầm mới thay thế sẽ được đưa vào sử dụng vào năm 2030. Các tàu ngầm lớp Ohio hiện nay của Mỹ đã được đưa vào sử dụng từ năm 1981.

tau_ngam_jzsb.jpg
Một chiếc tàu ngầm của Hải quân Mỹ (Ảnh Reuters)

“Tôi rất quan ngại về chương trình thay thế các tàu ngầm lớp Ohio” Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ Mac Thornberry tuyên bố và nói thêm rằng: “Chi phí cho chương trình này có thể chiếm toàn bộ chi phi đóng tàu của Hải quân Mỹ trong khi chúng ta còn cần phải đóng nhiều loại tàu khác”.

Các tàu ngầm thay thế sẽ được trang bị những công nghệ hiện đại nhất và có khả năng tàng hình dưới biển cũng như đáp trả các vụ tấn công hạt nhân. Những tàu ngầm mới này sẽ có chiều dài khoảng 170m và mang theo 16 tên lửa Trident II D5.

Chiếc tàu ngầm lớn nhất trong số này dự kiến sẽ tiêu tốn khoảng 12,4 tỷ USD để đóng và khoảng 4,8 tỷ USD tiền phát triển ban đầu. Số tiền này sẽ không được “lạm” vào số tiền chi để đóng 11 chiếc tàu ngầm khác trị giá khoảng 4,9 tỷ USD/chiếc.

Ngân sách để thay thế các tàu ngầm lớp Ohio đã trở thành chủ đề tranh cãi tại Quốc hội Mỹ trong vài năm qua. Đến năm 2014, Quốc hội Mỹ đã thành lập Quỹ Ngăn ngừa Nguy cơ trên biển- một quỹ riêng dành cho các chương trình đóng tàu ngầm nhằm tránh cho chi phí này không lạm vào ngân sách chung của Hải quân Mỹ.

Việc thành lập quỹ này đồng nghĩa với việc chi phí mua sắm các tàu ngầm mới sẽ không được tính vào chi phi đóng tàu của Hải quân Mỹ mà sẽ được tính vào ngân sách của Bộ Ngoại giao Mỹ.

Ông Ryan Alexander, Chủ tịch Tổ chức Taxpayers for Common Sense, nhận định: “Điều này chưa từng có tiền lệ” và quỹ mới này là nhằm “che giấu chi phí đóng tàu đang gia tăng chóng mặt”.

DoDBuzz- một tờ báo về quốc phòng của Mỹ- cho rằng nếu Hải quân Mỹ phải chi trả số tiền thay thế các tàu ngầm lớp Ohio thì “số tiền đó sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kế hoạch lâu dài của Hải quân Mỹ”.

Trong khi đó, những người ủng hộ việc thành lập quỹ riêng cho chương trình thay thế tàu ngầm lớp Ohio lên tiếng cho rằng, các tàu ngầm mới có khả năng ngăn chặn các đợt tấn công hạt nhân của kẻ thù này cần phải được coi là “tài sản quốc gia” và cần phải được đặt vào ngân sách quốc phòng chung của Mỹ.

“Từ lâu, tôi đã cho rằng, ngân sách cho chương trình thay thế tàu ngầm lớp Ohio cần phải nằm trong ngân sách của Bộ Quốc phòng chứ không phải là của Hải quân”, Hạ Nghi sĩ Randy Forbes tuyên bố vào tháng 4/2015, khi bản dự thảo về Dự luật Ủy nhiệm Quốc phòng được đệ trình, trong đó đề xuất khoản tiền 1,39 tỷ USD để nghiên cứu và phát triển các tàu ngầm mới sẽ nằm trong Quỹ Ngăn ngừa Nguy cơ trên biển. Đề xuất này sau đó đã được Hạ viện Mỹ thông qua.

Ông Forbes đã bác bỏ những cáo buộc cho rằng quỹ mới này “chỉ là hành vi che giấu cho Hải quân Mỹ về số tiền vượt trội khi đóng các tàu ngầm mới” và nhấn mạnh rằng, những khoản tiền chưa được sử dụng ở những nơi khác cần phải được dồn về những dự án lớn và quan trọng như thế này.

“Đây là một dự án quan trọng cho cả một thế hệ và chúng ta cần phải bắt đầu dồn tiền cho dự án này ngay từ bây giờ. Chúng ta không thể đợi đến trước đêm Giáng sinh mới để dành tiền chi tiêu cho cả lễ Giáng sinh được”, ông Forbes ví von.

Tuy nhiên, nhiều người quan ngại rằng, việc tạo ra một quỹ mới như thế này sẽ tạo tiền lệ cho các quân chủng khác của Mỹ xin lập các quỹ khác cho các dự án vốn tiêu tốn nhiều tiền của như dự án phát triển và lắp ráp các loại máy bay ném bom mới của Không quân Mỹ và có thể dẫn đến việc chi tiêu vô tội vạ trong quân đội Mỹ./.