Time of India đưa tin, ngày 6/4, tại Nhà máy đóng tàu tại Mazagón Dock Limited (MDL), Ấn Độ đã tiến hành lễ hạ thủy chiếc tàu ngầm Scorpene đầu tiên do nước này tự đóng trong tổng số 6 chiếc (thuộc dự án 75). Buổi lễ diễn ra với sự chứng kiến của Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikar.

Lễ hạ thủy chiếc tàu ngầm Scorpene đầu tiên (Ảnh: Time of India)
Một quan chức MDL cho biết, chiếc tàu ngầm đầu tiên này sau khi thực hiện các thử nghiệm trên biển sẽ trở lại xưởng đóng tàu để kiểm tra lại.

"Sau khi trải qua đợt thử nghiệm trên biển để kiểm tra các trục trặc kỹ thuật (nếu có), chiếc tàu ngầm này sẽ được đưa vào hoạt động trong biên chế hải quân Ấn Độ vào tháng 9/2016", quan chức này cho biết.

Theo kế hoạch ban đầu, chiếc tàu ngầm đầu tiên thuộc dự án 75 sẽ được đưa vào sử dụng vào năm 2012. Tuy nhiên dự án này đã bị chậm tiến độ.

Theo các nguồn tin, Nhà máy đóng tàu MDL đã thông báo với Hải quân rằng, dự án này sẽ chậm tiến độ khoảng 18 tháng so với thời hạn (năm 2015) do cựu Bộ trưởng Quốc phòng AK Antony thông báo tại Quốc hội năm ngoái.

Hiện hải quân Ấn Độ có 14 tàu ngầm diesel-điện, trong đó có 10 chiếc thuộc lớp Kilo do Nga chế tạo và 4 chiếc lớp HDW do Đức chế tạo. Tất cả các tàu này đều đã khá cũ.

Trang Rediff  News cho biết, Chính phủ Ấn Độ có kế hoạch trang bị khoảng 30 tàu ngầm cho hải quân nước này đến năm 2022, tuy nhiên một số dự án đã bị trì hoãn.

Tàu ngầm Scorpene có lượng giãn nước 1.700 tấn, dài 66,7m, tốc độ hơn 20 hải lý/giờ. Nó có thể hoạt động liên tục trên biển khoảng 50 ngày với thủy thủ đoàn 31 người và có thể lặn tới độ sâu hơn 300m.

Tại lễ hạ thủy chiếc tàu ngầm đầu tiên, Bộ trưởng Quốc phòng Manohar Parrikar cho biết cứ 9 tháng sẽ có một tàu Scorpene được xuất xưởng và tất cả sẽ được đưa vào lực lượng hải quân trước năm 2018./.