Ngày 23/6, Chính phủ Malaysia đã ban bố tình trạng khẩn cấp ở hai khu vực Muar và Ledang thuộc miền Nam nước này, do khói mù xuất phát từ các đám cháy rừng ở Indonesia gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng tại hai khu vực này.
Khói bụi ở Singapore (ảnh: todayonline) |
Bộ trưởng Môi trường Malaysia G.Palanivel cho biết, vào sáng 23/6, chỉ số ô nhiễm không khí (API) đo được tại thị trấn Muar là 750 - mức cao nhất ở Malaysia trong suốt 16 năm qua, trong khi mức độ ô nhiễm không khí tại hai thị trấn khác cũng lên tới mức nguy hiểm.
Hàng trăm trường học tại Muar đã được lệnh đóng cửa từ ngày 20/6, trong khi nhiều người dân phải che mặt khi ra đường. Người dân sinh sống tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi khói mù cũng được khuyến cáo nên ở trong nhà. Tình trạng khói mù hiện cũng gia tăng tại thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia làm giảm tầm nhìn, gây khó khăn cho cuộc sống của người dân. Chỉ số ô nhiễm không khí đo được tại thủ đô Kuala Lumpur cũng cho thấy, mức độ "có hại cho sức khỏe".
Một cư dân thủ đô cho biết: “Tôi cho rằng, tình trạng khói mù đang rất nguy hiểm. Hiện nay, vì có quá nhiều khói mù nên mọi người hầu như không ra đường, đường phố rất vắng vẻ. Tình trạng này đang gây khó khăn cho đời sống hàng ngày của chúng tôi”.
Khói mù từ đám cháy tại Indonesia trước đó cũng đã bao phủ nước láng giềng Singapore, song chất lượng không khí tại các thành phố ở nước này hiện đã được cải thiện sau khi đạt mức nguy hiểm.
Khói mù là vấn đề xảy ra hàng năm ở khu vực này trong những tháng mùa Hè khô nóng, khi khói từ các đám cháy rừng và đám cháy do người dân trên đảo Sumatra của Indonesia đốt cây để lấy đất lan qua Eo biển Malacca vào Malaysia và Singapore. Tình trạng khói mù nghiêm trọng nhất, với mức ô nhiễm không khí kỷ lục vào năm 1997-1998, đã khiến khu vực Đông Nam Á bị thiệt hại 9 tỉ USD, do hoạt động của ngành hàng không và các lĩnh vực kinh doanh khác bị gián đoạn./.