75 năm đã trôi qua kể từ thời khắc lịch sử 0h43 ngày 9/5/1945 (theo giờ Moscow), tức ngày 8/5/1945 theo giờ Berlin, khi đại diện Đức quốc xã ký thỏa thuận đầu hàng vô điều kiện Liên Xô và các nước đồng minh, chấm dứt Chiến tranh Thế giới thứ 2.

nga_heof.jpg
Ảnh minh họa: Reuters

Thời khắc ấy mãi mãi đi vào lịch sử nhân loại, trở thành Ngày Chiến thắng chung của tất cả các dân tộc yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Năm nay dù nhiều hoạt động không thể diễn ra theo kế hoạch do ảnh hưởng của dịch Covid-19, song người dân tại Nga và nhiều nước châu Âu khác đã tổ chức kỷ niệm theo một cách rất riêng để nhắc nhở các thế hệ hiện tại và tương lai không quên đi thời khắc lịch sử ấy.

Với nước Anh, ngày 8/5 luôn là ngày đặc biệt để tưởng nhớ những người đã khuất trong cuộc chiến đẫm máu đã làm thay đổi lịch sử nước Anh cũng như toàn thế giới. Anh là một trong những nước chịu thiệt hại nặng nề trong Chiến tranh thế giới thứ 2, với gần 500.000 quân nhân và dân thường thiệt mạng.

Dù không thể tổ chức các sự kiện lớn quy tụ hàng nghìn người tham gia như mọi năm do ảnh hưởng của dịch Covid-19, song rất nhiều hoạt động kỷ niệm trọng thể và thiết thực đã được tổ chức để kỷ niệm sự kiện trọng đại này.Sau lễ mặc niệm kéo dài 2 phút trên toàn quốc, người dân Anh hôm nay (8/5) cùng nhau ra ngoài cửa nâng ly, reo hò và vỗ tay thực hiện nghi thức “Nâng ly toàn quốc từ xa” để tôn vinh những “Người anh hùng của Chiến tranh Thế giới thứ Hai” - giống như cách họ vẫn làm vào 20h tối các thứ Năm trong tuần - thời gian vừa qua để tôn vinh lực lượng bác sĩ và nhân viên y tế đang chiến đấu với dịch Covid-19. Các gia đình cũng được hướng dẫn và khuyến khích tổ chức tưởng niệm ngày này bằng cách treo cờ trước cửa, đặt tượng Tommy - tượng trưng cho người lính Anh - trên khung cửa sổ trước, tổ chức các bữa tiệc ngoài sân hoặc vườn trước nhà.

Theo Nữ hoàng Anh Elizabeth II, tinh thần của Ngày Chiến thắng vẫn tỏa sáng trong thời đại hiện nay và là động lực để nước Anh chiến thắng đại dịch Covid-19, với ý chí quyết tâm và sự mạnh mẽ như thế hệ cha ông đã thể hiện trong quá khứ.

“Cùng nhau, chúng ta sẽ khắc chế được dịch bệnh này. Tôi muốn khẳng định rằng nếu chúng ta duy trì đoàn kết và sự quyết tâm, chúng ta sẽ vượt qua. Dù nước Anh trước đây đã đối mặt với nhiều thách thức, song lần này là một khác biệt. Lần này, chúng ta và tất cả các quốc gia trên thế giới cùng nỗ lực chung, vận dụng những tiến bộ khoa học vĩ đại và lòng trắc ẩn trong mỗi con người để hàn gắn nỗi đau. Chúng ta sẽ thành công và thành công đó thuộc về tất cả chúng ta”.

Dự kiến 21h tối nay, Nữ hoàng Elizabeth II sẽ có bài phát biểu kỷ niệm Chiến thắng.

Còn tại Pháp, một buổi lễ với sự tham dự của Tổng thống Emmanuel Macron được tổ chức tại Khải hoàn môn. Buổi lễ không mở cửa cho công chúng và được truyền hình trực tiếp. Cùng thời điểm, các buổi lễ cũng được các chính quyền địa phương tổ chức song với hình thức hạn chế và cũng không có sự tham gia công chúng để tưởng niệm những người đã hy sinh trong Chiến tranh Thế giới thứ 2. Trong ngày này, người dân Pháp được kêu gọi trang trí ban công hoặc cửa sổ bằng các màu sắc tượng trưng cho nước Pháp. Bất kỳ hoạt động kỷ niệm nào cũng phải tuân thủ quy định không tập trung đông người.

Tại Nga, hoạt động kỷ niệm chính thức 75 năm Ngày chiến thắng trong Chiến thắng vệ quốc vĩ đại sẽ diễn ra vào ngày mai (9/5) và đều được chuyển sang dạng trực tuyến do tác động của dịch Covid-19. Đặc biệt trong đó có cuộc diễu hành “Trung đoàn Bất tử” tưởng nhớ những hy sinh trong chiến tranh. Người dân muốn tham gia sẽ phải khai vào bảng đăng ký, cho biết tên người anh hùng họ muốn tôn vinh, những năm sống và những năm tham gia cuộc chiến, cũng như thông báo thư điện tử, và có thể tải ảnh lên mạng nếu có.

Theo Tổng thống Nga Vladimir Putin, với tinh thần của cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, nước Nga sẽ vượt qua mọi thách thức.

“Nước Nga sẽ đẩy lùi được mối đe dọa mà chúng ta đang phải đối mặt hiện nay và sau đó chắc chắn sẽ thực hiện tất cả các sự kiện được lên kế hoạch vào ngày 9/5. Chúng tôi sẽ tổ chức các sự kiện một cách long trọng trong năm nay, năm ký ức và vinh quang ở Nga”.

Tại nhiều nước châu Âu khác, các chiến dịch trên mạng xã hội và phương tiện truyền thông cũng đã được phát động để các gia đình chia sẻ những câu chuyện, ký ức, kỷ vật và hình ảnh những người thân đã trải qua cuộc chiến. Còn với những cựu binh và người dân từng trải qua những ngày tháng chiến tranh đẫm máu hơn 7 thập kỷ trước, họ đang tự xác định cho mình một nghĩa vụ bằng tất cả những cách có thể, phải làm sống lại những thời khắc đó trong ký ức tập thể của tất cả mọi người, đặc biệt là các thế hệ trẻ - để thảm kịch tương tự sẽ không bao giờ lặp lại./.