Nỗi bất an của châu Âu vì lo ngại khủng bố
Ở thời điểm hiện tại, bên cạnh đại dịch Covid-19 thì nguy cơ khủng bố đang là một trong các nỗi lo lắng hàng đầu của người dân nhiều nước châu Âu, sau khi diễn ra các vụ khủng bố liên tiếp tại Pháp và Áo. Mối đe dọa khủng bố, trong đó phần lớn đến từ các phần tử Hồi giáo cực đoan, là không hề mới đối với châu Âu nhưng trong thời gian qua, nỗi lo này bị lấn át bởi đại dịch Covid-19.
Chính phủ các nước châu Âu dồn hết nguồn lực và sự ưu tiên để đối phó với đại dịch nên đã có phần mất cảnh giác với mối đe dọa khủng bố, như các điều tra sau này cho thấy là trong cả vụ khủng bố tại Vienna (Áo) lẫn tại Nice (Pháp), lực lượng an ninh hai nước Áo và Pháp đều đã để lộ rất nhiều lỗ hổng. Chính vì thế, người dân châu Âu giờ đây đặc biệt e ngại với các đe dọa khủng bố dưới hình thức mới, theo chiến lược “hàng nghìn vết chém” mà Al Qae-da từng tung ra từ năm 2004, hay bây giờ còn được gọi là “khủng bố ở góc phố”, khi mà các phần tử khủng bố là những cá nhân đơn lẻ, hoạt động độc lập với trang bị vũ khí đơn sơ.
Chiến thuật khủng bố này tuy không gây ra các tổn thất lớn như các vụ khủng bố 2015 tại Pháp nhưng lại gieo rắc sự bất an thường trực, làm đảo lộn sinh hoạt của người dân và trật tự xã hội, khi bất cứ người dân thường nào cũng có nguy cơ bị một kẻ khủng bố dùng dao tấn công ngay trên đường phố. Vì thế, việc các nước châu Âu thảo luận việc tăng cường kiểm soát biên giới vào thời điểm này nhận được sự ủng hộ lớn của người dân châu Âu.
Trong Hội nghị Bộ trưởng Nội vụ 27 nước thành viên EU vừa kết thúc hôm 13/11, một bản tuyên bố chung đã được các nước đưa ra, trong đó đề cập đến hai chính sách rất quan trọng. Một, là 27 nước EU nhất trí cần tăng cường mạnh mẽ năng lực kiểm soát biên giới bên ngoài của EU, tức biên giới giữa không gian châu Âu với bên ngoài, trong đó trọng tâm là nâng cao năng lực của lực lượng tuần tra Frontex. Tiếp đến, EU thống nhất sẽ sớm đưa ra các quy định để buộc các mạng xã hội, các nền tảng internet phải gỡ bỏ các nội dung mang hơi hướng khủng bố trong vòng chậm nhất là 1h sau khi nội dung này được đăng tải. Vào thời điểm này, việc kiểm soát biên giới, đặc biệt là biên giới bên ngoài của EU, nhận được sự nhất trí cao của tất cả các nước thành viên, do tất cả đều ý thức được các mối đe dọa không chỉ của chủ nghĩa khủng bố mà còn đe dọa về mặt an sinh - xã hội khi làn sóng tị nạn từ các nơi đổ về châu Âu không hề có dấu hiệu suy giảm từ nhiều năm qua.
Ảnh hưởng từ các biện pháp kiểm soát biên giới
Cuối tháng 10 vừa qua, ngay sau khi diễn ra hai vụ khủng bố tại Pháp thì Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đến thị sát biên giới giữa Pháp và Tây Ban Nha, đồng thời tuyên bố tăng gấp đôi quân số của lực lượng cảnh sát kiểm soát biên giới tại Pháp, từ 2.400 người lên 4.800 người. Giữa tuần qua thì nguyên thủ Pháp, Áo, Đức và lãnh đạo EU cũng đã có một cuộc họp thượng đỉnh mini để thống nhất các biện pháp chung chống khủng bố trên toàn châu Âu, trong đó ông Macron tuyên bố rằng đã đến lúc cần phải quy định lại việc tự do di chuyển ở châu Âu. Tuyên bố này không phải là khai tử không gian tự do di chuyển Schengen mà là nhấn mạnh đến việc tăng cường kiểm soát biên giới nội khối giữa các nước.
Ủy ban châu Âu sẽ tổ chức vào ngày 30/11 này một Diễn đàn tập hợp các nước EU và các nước tham gia không gian Schengen như Na Uy, Thụy Sỹ, Lichtenstein, Iceland… để thảo luận việc thay đổi này và dự kiến sẽ áp dụng ngay từ tháng 5/2021. Điều này không mâu thuẫn với giá trị di chuyển tự do nội khối, một trong các thành tựu lớn nhất của EU, mà là thay đổi hợp lý để sửa chữa các bất cập và đối mặt với các thách thức an ninh. Ví dụ rõ nhất về sự bất cập, đó là trong vụ khủng bố tại Nice vừa qua, kẻ khủng bố người Tunisia đã nhập cảnh vào Italy trong tháng 9/2020 theo dòng người tị nạn ở cảng Lampedusa, sau đó sang Pháp đầu tháng 10/2020 và vài tuần sau gây án mà lực lượng an ninh không hề nắm bắt được thông tin. Một ví dụ khác là trong năm 2019, theo số liệu từ lực lượng Frontex thì 22% số người nhập cảnh vào lãnh thổ EU không được đăng ký. Đó là các mối đe dọa lớn mà do đó châu Âu buộc phải sửa đổi các quy định tự do đi lại để kiểm soát tốt hơn.