Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Đức Angela Merkel thừa nhận việc tàu chiến Schleswig-Holstein của phát-xít Đức, lúc 4h55 ngày 1/9/1939, nhắm bắn vào một pháo đài của Ba Lan trên bán đảo Westerplatte, cùng việc quân đội phát-xít đánh chiếm Ba Lan, là hành động "khai chiến", mở màn cho "một chương đẫm máu nhất" trong lịch sử châu Âu. Hậu quả của cuộc chiến là nỗi thống khổ triền miên của hàng chục triệu người, khi mọi quyền con người bị tước đoạt, bị nhục mạ và mọi thứ bị tàn phá.
Trong khi đó, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk nêu rõ buổi lễ tưởng niệm các nạn nhân này là để một lần nữa nhận thức rõ về Chiến tranh thế giới thứ Hai, và để không quên những bài học từ cuộc chiến này, bởi nếu không có sự hồi tưởng chân thực đó, cả châu Âu, cả Ba Lan và thế giới đều không thể sống trong bình yên.
Thủ tướng Nga Vladimir Putin cũng kêu gọi phân tích kỹ những sự kiện trong Chiến tranh thế giới thứ Hai, từ đó rút ra bài học cần thiết để không bao giờ cho phép tái diễn một thảm kịch tương tự.
Thủ tướng Italy Silvio Berlusconi thì cho rằng việc hồi tưởng lại những sự kiện đau thương trong Chiến tranh thế giới thứ II cũng là cách để nhân loại tránh lặp lại thảm họa này trong tương lai.
Ngoài lễ tưởng niệm tại Ba Lan, từ vài ngày trước, các hoạt động kỷ niệm và đặt hoa đã được tổ chức tại nhiều thành phố châu Âu để đánh dấu ngày Chiến tranh thế giới thứ II bùng nổ cách đây 70 năm.
Tại London cũng diễn ra triển lãm về Chiến tranh thế giới thứ II tại Bảo tàng chiến tranh từ ngày 20/8. Trong số những hiện vật được trưng bày có cả cuốn nhật ký bỏ túi của Thủ tướng Anh thời đó là Neville Chamberlain, với dòng chữ "Chiến tranh" ngày 3/9/1939.
Tại Mỹ, hàng loạt bộ phim và sách báo cũng được phát hành với nội dung liên quan tới ngày bùng nổ cuộc chiến./.