Ngày 09/11, phát biểu tại một cuộc họp báo, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov cho rằng, Liên minh châu Âu cần phải chịu trách nhiệm về hành động của mình trong tình hình với cuộc khủng hoảng di cư ở biên giới Belarus với Ba Lan, Litva và Brussels có thể giúp Minsk theo cách mà họ đã từng giúp Thổ Nhĩ Kỳ đối phó với những dòng người tị nạn.

Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov cho rằng, giải pháp cho cuộc khủng hoảng di cư ở biên giới Belarus với Ba Lan và Litva, cần hoàn toàn tôn trọng các nguyên tắc của luật nhân đạo quốc tế và không được quên, mọi việc bắt đầu từ đâu, và lỗi của ai.

Theo ông, chúng phát triển theo chính sách mà các quốc gia phương Tây, bao gồm NATO và Liên minh châu Âu, đã theo đuổi trong nhiều năm đối với Trung Đông và Bắc Phi, cố gắng áp đặt cho họ một "cuộc sống tốt hơn" theo mô hình phương Tây, "dân chủ", theo hình thức mà nó được luận giải từ phương Tây và cố gắng phổ biến nó trên toàn thế giới.

Mặt khác, theo ông Lavrov, tôn trọng luật nhân đạo quốc tế, người ta phải hiểu rằng, điều này cũng ngụ ý sự tôn trọng đối với những người đã trở thành tị nạn do lỗi của phương Tây, đã gây ra các cuộc chiến tranh xâm lược ở Trung Đông và Bắc Phi.

Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh rằng, trách nhiệm chính trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng di cư thuộc về những người đã tạo điều kiện cho cuộc khủng hoảng này bùng phát. Đồng thời, cần tránh cách tiếp cận hai mặt. Các quốc gia mà từ đó người tị nạn đến Liên minh Châu Âu cũng phải được đối xử như nhau với một cách tiếp cận thống nhất.

“Tại sao khi những người tị nạn từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Liên minh Châu Âu, EU lại cấp kinh phí để họ ở lại lãnh thổ của Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ? Tại sao không thể giúp đỡ những người Belarus, những người có nhu cầu nhất định để những người tị nạn, những người mà Ba Lan và Litva không muốn để trên lãnh thổ của họ, sống trong điều kiện bình thường? Họ muốn đến chính châu Âu, nơi đã quảng cáo và thúc đẩy cách sống của họ trong nhiều năm. Cần phải có trách nhiệm với lời nói và việc làm của mình", ông Lavrov nêu vấn đề.

Cuộc khủng hoảng di cư ở biên giới Belarus với Latvia, Litva và Ba Lan, nơi người di cư đổ xô đến từ đầu năm đến nay, đã trở nên căng thẳng vào ngày 8/11. Vài nghìn người từ phía Belarus đến biên giới Ba Lan và không rời khỏi khu vực biên giới, một số người trong số họ đã cố gắng lọt vào lãnh thổ của Ba Lan, phá vỡ hàng rào thép gai.

Các nước EU cáo buộc Minsk cố tình làm leo thang khủng hoảng và kêu gọi áp đặt các biện pháp trừng phạt. Tổng thống Belarus A.Lukashenko tuyên bố rằng, chính các nước phương Tây phải chịu trách nhiệm về tình trạng này, vì hành động của họ mà người dân đang chạy trốn khỏi chiến tranh./.