Căng thẳng chính trị và cuộc cạnh tranh quyền lực giữa các phe phái tại Ai Cập tiếp tục gia tăng với hàng loạt cuộc biểu tình ở thủ đô Cairo và nhiều địa phương.

Trong một diễn biến mới, các nhà lãnh đạo lâm thời phủ nhận việc chuẩn bị giải tán Tổ chức Anh em Hồi giáo, lực lượng xuất thân của Tổng thống bị phế truất Mohamed Morsi, sẵn sàng dành một “lối thoát” cho lực lượng này nếu họ ngừng các cuộc biểu tình.

bieu-tinh-ung-ho-morsi.jpg
Những người ủng hộ Tổng thống bị lật đổ Mohamed Morsi tập trung biểu tình ở Cairo (Ảnh: Press TV)

Trong khi đó, giới chức châu Âu đang nỗ lực phát huy ảnh hưởng tại quốc gia Trung Đông này thông qua việc thúc đẩy vai trò trung gian hòa giải giữa các bên.

Bộ Nội vụ Ai Cập ngày 2/8 cam kết sẽ dành "lối thoát an toàn" cho những người biểu tình ủng hộ ông Morsi, nếu họ nhanh chóng chấm dứt hai cuộc biểu tình ngồi kéo dài hơn một tháng qua tại Quảng trường Rabaa Al-Adawiya ở Đông Bắc Cairo và trước cửa Đại học Cairo tại tỉnh Giza.

Trong một tuyên bố, Bộ này cũng kêu gọi những người biểu tình Hồi giáo "suy nghĩ lại vì những lợi ích tốt nhất của đất nước".

Cùng ngày, Bộ trưởng Nội vụ Mohamed Ibrahim đã tổ chức một cuộc họp với nhiều quan chức an ninh để nghiên cứu các cách thức giải tán hai địa điểm biểu tình ngồi của phe Hồi giáo nhằm bảo vệ an toàn cho người dân. Trước đó, Nội các Ai Cập đã ủy quyền cho Bộ Nội vụ sử dụng tất cả các biện pháp phù hợp với pháp luật và hiến pháp để giải tán các cuộc biểu tình.

Tình hình ở Ai Cập trở nên căng thẳng hơn sau khi nguồn tin từ Tòa án cho biết 3 thủ lĩnh hàng đầu của Tổ chức Anh em Hồi giáo, trong đó có ông Mohamed Badie sẽ bị đưa ra xét xử vì tội kích động giết người.

Trong khi đó, nhật báo "Almasry Alyoum" dẫn lời Bộ trưởng Đoàn kết xã hội Ahmed al-Borai bác bỏ thông tin rằng quyết định giải tán Tổ chức Anh em Hồi giáo sẽ được đưa ra trong vài giờ tới và khẳng định bộ vẫn "đang nghiên cứu" vấn đề này.

Tổ chức Anh em Hồi giáo được hợp pháp hóa dưới hình thức một hiệp hội vào ngày 19/3/2012 và hiện đang đối mặt với nhiều vụ kiện đòi giải tán. Theo một số nguồn tin, quyết định trên có thể được đưa ra dựa trên các bằng chứng về sự dính líu của tổ chức này vào các hành vi bạo lực diễn ra ngay trước cửa trụ sở chính của tổ chức này ở Cairo khiến 8 người thiệt mạng và 91 người bị thương.

Trước những diễn biến phức tạp hiện nay, Liên minh châu Âu dường như đang tìm kiếm vai trò và ảnh hưởng tại quốc gia Trung Đông này với hàng loạt các chuyến thăm của các nhà lãnh đạo châu Âu. Tiếp sau chuyến thăm Cairo của đại diện cấp cao phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh của Liên minh châu Âu Catherine Ashton, Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle cũng đang ở thăm Ai Cập trong nỗ lực đưa các bên ngồi vào bàn đàm phán. Ông Westerwelle đã có cuộc gặp và thảo luận với các nhà lãnh đạo Ai Cập về các diễn biến và lộ trình tương lai của nước này.

Phát biểu tại một cuộc họp báo ở thủ đô Cairo, ông Westerwelle cho rằng, chỉ người dân Ai Cập mới có thể quyết định vận mệnh của chính họ. Ông nhấn mạnh: “Chúng tôi chỉ có thể tư vấn, còn quyết định về tương lai của Ai Cập phải do người dân nước này quyết định. Theo quan điểm của chúng tôi, điều quan trọng là cần tìm ra một giải pháp hòa bình và kiềm chế bạo lực nhằm xây dựng một nền dân chủ cho Ai Cập với các cuộc bầu cử mà tất cả các lực lượng chính trị đều được tham gia”.

Trong nỗ lực gây sức ép buộc các bên tại Ai Cập kiềm chế bạo lực, trong chuyến thăm Cairo, đặc phái viên của Liên minh châu Âu Bernardino Leon cho biết, EU không dễ dàng chấp nhận việc sử dụng bạo lực giải tán biểu tình và hành động bạo lực phải được giải trình lên cộng đồng quốc tế. Giải pháp chính trị chỉ có thể đạt được khi cả hai bên cùng kiềm chế.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, chưa có dấu hiệu nào chứng tỏ các bên ở Ai Cập sẵn sàng ủng hộ vai trò của các nhà lãnh đạo châu Âu. Tổ chức Anh em Hồi giáo vẫn bác bỏ khả năng hợp tác với chính phủ lâm thời, khăng khăng yêu cầu phục chức cho ông Morsi, đồng thời cảnh báo sẽ tiếp tục kêu gọi người dân xuống đường biểu tình cho đến khi ông Morsi được trả tự do và trở lại ghế tổng thống.

Trong khi đó, chính phủ lâm thời do quân đội hậu thuẫn không có bất cứ động thái nào thể hiện sự nhân nhượng và đang chuẩn bị tổ chức bầu cử quốc hội và tổng thống vào đầu năm 2014, bên cạnh đó chính phủ lâm thời tuyên bố sẽ áp dụng mọi biện pháp cần thiết để chấm dứt tình trạng biểu tình kéo dài hiện nay.

Mặc dù Liên minh châu Âu hiện là đối tác viện trợ dân sự lớn nhất cho Ai Cập, nhưng dư luận vẫn hoài nghi về triển vọng của nỗ lực trung gian hòa giải mà châu Âu đảm nhận nhằm chấm dứt khủng hoảng chính trị tại nước này./.