Thủ tướng Séc Bohuslav Sobotka trong một tuyên bố trước báo giới đã bày tỏ hy vọng, nước Anh sẽ nhanh chóng thành lập Chính phủ mới khi mà cả Anh và Liên minh châu Âu đã mất quá nhiều thời gian kể từ khi Anh tuyên bố Brexit hồi tháng 3 vừa qua. Cùng quan điểm với Thủ tướng Séc, Thứ trưởng Ngoại giao Đức Roth cho rằng, các bên không nên để lãng phí thời gian đàm phán.

brexit_nrcg.jpg
Ảnh minh họa: AP

Trong khi đó, Cao ủy phụ trách Kinh tế và Tài chính Liên minh châu Âu Pierre Moscovici thì cho rằng, kết quả tổng tuyển cử Anh sẽ tác động không nhỏ tới tính chất của đàm phán.

Theo kế hoạch, các cuộc đàm phán chính thức về Brexit có thể bắt đầu vào ngày 19/6 tới, 11 ngày sau cuộc tổng tuyển cử ở Anh.

Tính đến 14h chiều nay (giờ Hà Nội), với 646 trên tổng số 650 phiếu được kiểm, Đảng Bảo thủ của Thủ tướng Theresa May đã giành chiến thắng, với 315 ghế song không đạt đa số quá bán để tự thành lập Chính phủ mới.

Với kết quả này, giới phân tích nhận định, “nước cờ” của Thủ tướng Anh Theresa May trong việc tiến hành tổ chức bầu cử trước thời hạn dường như đã phản tác dụng.

Thất bại của đảng Bảo thủ được nhìn nhận có thể dẫn tới một giai đoạn bất ổn chính trị. Sự chậm trễ trong việc hình thành một chính phủ mới có thể trì hoãn và làm xáo trộn các cuộc đàm phán của Anh về việc rút khỏi Liên minh châu Âu, hay còn gọi là Brexit, dự kiến bắt đầu vào ngày 19/6 tới. Đó là chưa kể tác động tới nền kinh tế khi tỷ giá đồng bảng Anh sụt giảm so với đồng USD.

Trong khi chờ hoàn tất kết quả kiểm phiếu nhiều khả năng sẽ dẫn đến việc thành lập một chính phủ liên minh hoặc thiểu số. Điều đó làm tăng tỉ lệ đặt cược vào khả năng cuộc bầu cử mà bà May kỳ vọng tạo ra một “chính phủ mạnh và ổn định” này sẽ chỉ đem lại bất ổn và tạo cơ hội cho một cuộc bầu cử sớm khác.

Mặt khác, kết quả của cuộc bầu cử cũng gây ra những nghi ngờ về vị trí của bà trong vai trò lãnh đạo đảng Bảo thủ, cũng như tạo sức ép từ chức lên nữ chính khách này./.