Kết quả bầu cử có nguy cơ đẩy nước Anh vào một giai đoạn bất ổn mới, chỉ vài ngày trước khi bắt đầu các cuộc đàm phán về việc nước Anh rời Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit.

may_qvpd.jpg
Thủ tướng Anh Theresa May. Ảnh: Reuters

Đây có thể xem là một thất bại với đương kim Thủ tướng Theresa May, bởi vào thời điểm cách đây gần 2 tháng, chiến thắng tuyệt đối gần như nằm chắc trong tay vị nữ lãnh đạo này. Theo các nhà phân tích, với kết quả này, bà Theresa May và đảng Bảo thủ sẽ đứng trước nhiều áp lực.

Chưa đầy một năm sau cuộc trưng cầu ý dân về việc rời Liên minh châu Âu, bà Theresa May, với tham vọng về một “Brexit cứng”, đã quyết định tổ chức tổng tuyển cử sớm trước 3 năm so với kế hoạch, vì chắc chắn sẽ đạt được đa số phiếu và giành được nhiều ghế hơn so với số ghế mà Đảng bảo thủ có hiện nay.

Tuy nhiên, trái với kỳ vọng, cuộc bầu cử này lại tạo ra một bức tranh chính trị bất an hơn cho chính bà Theresa May. Dù giành được chiến thắng song uy tín chính trị của bà cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Trước đó, kết quả các cuộc thăm dò của hãng Ipsos/Mori, đảng cũng cho thấy, đảng Bảo thủ giành được 314 ghế, giảm 16 ghế so với Quốc hội sắp mãn nhiệm và thiếu 12 ghế để đạt đủ đa số quá bán 326/650 ghế, trong khi Công đảng đối lập của ông Jeremy Corbyn lại nhận thêm được 37 ghế, lên 266 ghế.

Đồng bảng Anh đã ngay lập tức trượt giá mạnh trên thị trường New York, đặc biệt so với đồng tiền chung châu Âu Euro, cũng như đồng USD. Theo các chuyên gia kinh tế, dường như các thị trường đã nhìn thấy nguy cơ bất ổn và điều này sẽ khiến Chính phủ Anh gặp nhiều khó khăn hơn trong các cuộc đàm phán với Liên minh châu Âu, nếu vẫn tiếp tục giữ lập trường về một Brexit cứng.

Kết quả này cũng đồng nghĩa với việc đảng bảo thủ sẽ phải lựa chọn việc thành lập một chính phủ thiểu số hoặc cố gắng tạo liên minh với một hay nhiều đảng khác. Trong cả 2 trường hợp, các cuộc đàm phán có thể kéo dài nhiều tuần và điều này sẽ gây tác động không nhỏ tới lộ trình Brexit.

Trong một phát biểu ngay sau khi  kết quả các cuộc thăm dò dư luận được công bố, Thủ tướng Anh Theresa May một lần nữa nhấn mạnh, trong bất kỳ kịch bản nào, đất nước cũng cần một sự ổn định.

“Vào thời điểm hiện nay đất nước cần sự ổn định hơn lúc nào hết và nếu các kết quả được xác nhận, tức là Đảng Bảo thủ giành được nhiều ghế nhất tại Quốc hội, thì nhiệm vụ của chúng tôi là đảm bảo giai đoạn ổn định của đất nước và đây chính xác là điều chúng tôi sẽ làm”, bà Theresa May nói.

Không chỉ Đảng Bảo thủ, kết quả cuộc bầu cử này cũng là một đòn mạnh giáng vào Đảng Dân tộc Scotland khi đảng này chỉ giành được 34 ghế, thấp hơn nhiều so với 54 ghế tại Quốc hội sắp mãn nhiệm.

Trong khi đó, Đảng Dân chủ Tự do, Đảng duy nhất có lập trường mạnh mẽ công khai ủng hộ Liên minh châu Âu lại giành được 14 ghế, tức là nhiều hơn 6 ghế so với Quốc hội sắp mãn nhiệm. 

Tuy nhiên, đảng này tối 6/8 đã tuyên bố sẽ không liên minh, cũng như không có thỏa thuận với bất kỳ đảng nào. Đây có thể xem là một thảm họa với Thủ tướng Theresa May. Vai trò lãnh đạo của bà có nguy cơ bị xem xét lại, thậm chí có thể phải từ chức do sức ép ngày càng lớn.

Kết quả này cũng vượt ra ngoài dự đoán của các chuyên gia cũng như người ủng hộ đảng Bảo thủ, trong bối cảnh phần lớn các cuộc thăm dò trước thềm đều dự báo về “chiến thắng khá dễ dàng” của bà Theresa May.

Trong khi đó, đối với lãnh đạo Công đảng Jeremy Corbyn có thể nói ông đã dẫn dắt một chiến dịch tranh cử thành công hơn mong đợi. Theo ông Jeremy Corbyn, đất nước cần một chính phủ mang tính đại diện hơn.

“Thủ tướng đã kêu gọi bầu cử vì muốn có một nhiệm kỳ rõ ràng. Thực tế kết quả là đảng Bảo thủ đã mất ghế, mất đi sự ủng hộ và mất đi niềm tin. Tôi cho rằng, điều này là đủ để rời đi để mở đường cho một chính phủ có thể đại diện cho tất cả người dân của đất nước”, ông Jeremy Corbyn nói.

Một nghịch lý là nếu như trước thời điểm bỏ phiếu, nhiều người có cảm giác rằng, Brexit không còn là mối quan tâm hàng đầu của cử tri Anh nữa, mà thay vào đó là các vấn đề như an sinh xã hội hay an ninh của đất nước sau khi trải qua một loạt vụ tấn công khủng bố đẫm máu chỉ trong một thời gian ngắn, thì đến thời điểm bỏ phiếu lại cho thấy, vấn đề rời Liên minh châu Âu luôn ở trong tâm trí của nhiều cử tri Anh.  Rất nhiều người không đồng tình với những nhận định cho rằng, các vụ tấn công mà IS nhận trách nhiệm đã gây ảnh hưởng tới lá phiếu của họ./.