Phần lớn các nước tại châu Âu đang chứng kiến sự gia tăng số ca mắc Covid-19. Ngày 4/11, Đức ghi nhận số ca nhiễm SARS-CoV-2 mới hàng ngày cao nhất kể từ đầu đại dịch.
Hans Kluge, Giám đốc WHO phụ trách khu vực châu Âu, cảnh báo rằng tốc độ lây lan của dịch bệnh ở khu vực này hiện nay là điều “gây lo ngại nghiêm trọng”.
“Một lần nữa, châu Âu lại trở thành tâm dịch của thế giới. Theo một dự báo đáng tin cậy, nếu tình hình hiện nay tiếp diễn, đến đầu tháng 2/2022, châu Âu có thể ghi nhận 500.000 ca tử vong do Covid-19”, ông Kluge nói trong một tuyên bố.
Đông Âu là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch ở châu Âu. Số ca mắc bệnh tại Nga và Đức tăng cao ở mức kỷ lục. Ngày 1/11, thủ đô Kiev của Ukraine đã đưa ra những hạn chế mới nghiêm ngặt để ngăn chặn đợt bùng phát dịch Covid-19 mới.
Nhiều chuyên gia bày tỏ lo ngại rằng, sự gia tăng số ca mắc Covid-19 cùng với số ca cúm theo mùa có thể gây áp lực cho các nhân viên y tế trong khoảng thời gian Giáng sinh và Năm mới.
Trong bản cập nhật hàng tuần mới nhất, WHO cho biết, châu Âu đã ghi nhận mức tăng 6% số ca mắc bệnh trong tuần trước. Đây là tỷ lệ cao nhất so với bất kỳ khu vực nào trên toàn cầu, khi những nơi khác đều chứng kiến xu hướng số ca mắc Covid-19 “giảm hoặc ở mức ổn định”.
“Chúng ta đang ở một thời điểm quan trọng nữa về sự trỗi dậy của đại dịch”, ông Kluge nói.
Quan chức WHO cho rằng có 2 yếu tố gây ra đợt bùng phát mới, đó là các quốc gia nới lỏng các biện pháp hạn chế phòng Covid-19 và tỷ lệ tiêm chủng ở Balkan và phía Đông châu Âu còn thấp.
“Tỷ lệ nhập viện ở những nước có tỷ lệ tiêm chủng thấp cao hơn rõ rệt và tăng nhanh hơn so với những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao”, ông Kluge cho biết.
Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn hôm 3/11 cảnh báo rằng, cần có các biện pháp nghiêm khắc hơn đối với những người từ chối tiêm vaccine.
Ông Spahn bày tỏ lo ngại trước sự gia tăng đáng kể số ca mắc Covid-19 tại Đức, với 33.949 ca bệnh mới được ghi nhận hôm 4/11, mức tăng cao chưa từng thấy. Kỷ lục trước đó được ghi nhận vào ngày 18/12/2020, với 33.777 ca.
Ông Spahn cho biết, Đức đang trải qua một đại dịch nghiêm trọng do nhiều người chưa được tiêm chủng. “Sẽ có ít bệnh nhân Covid-19 phải điều trị trong phòng chăm sóc đặc biệt hơn nếu như tất cả mọi người đều đi tiêm chủng”, ông Spahn nói./.