Tổng thống Italy Sergio Mattarella ngày 27/5 đã chỉ định ông Carlo Cottarelli, 64 tuổi, cựu Giám đốc điều hành của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), làm Thủ tướng lâm thời để thành lập Chính phủ mới, với nhiệm vụ lên kế hoạch cho cuộc bầu cử và thông qua ngân sách tiếp theo.

carlo_cottarelli_loao.jpg
Thủ tướng mới được chỉ định của Italy Carlo Cottarelli. Ảnh: AP

Ngay sau khi được Tổng thống giao trọng trách thành lập Chính phủ mới, Thủ tướng tạm quyền Carlo Cottarelli thông báo sẽ tiến hành cuộc bầu cử mới vào đầu năm 2019.

Phát biểu với báo giới sau cuộc gặp Tổng thống Sergio Mattarella, ông Carlo Cottarelli cho biết: “Tôi sẽ sớm trình danh sách các Bộ trưởng lên Tổng thống. Tôi cũng sẽ trình lên Quốc hội một chương trình hành động, nếu giành được sự ủng hộ của Quốc hội sẽ bao gồm việc thông qua ngân sách 2019 và sau đó Quốc hội sẽ bị giải tán với các cuộc bầu cử bắt đầu vào năm 2019.

Tuy nhiên nếu không được Quốc hội thông qua, Chính phủ sẽ từ chức ngay lập tức và sẽ chỉ đảm nhiệm chức năng chính là quản lý các vấn đề cho đến khi các cuộc bầu cử được tổ chức sau tháng 8/2018”.

Cuộc khủng hoảng chính trị của Italy tưởng chừng tạm lắng sau khi Đảng Phong trào 5 Sao (M5S) và đảng Liên đoàn phương Bắc (LN) đạt được thỏa thuận thành lập Chính phủ liên minh.

Tuy nhiên, Tổng thống Italy Sergio Mattarella đã không chấp thuận việc đề cử cựu Bộ trưởng Công nghiệp Paolo Savona, nhân vật có quan điểm hoài nghi châu Âu, làm Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính, khiến Thủ tướng được chỉ định Giuseppe Conte phải từ chức.

Tổng thống Sergio Mattarella cũng ngay lập tức chỉ định ông Carlo Cottarelli- cựu Giám đốc điều hành của Quỹ Tiền tệ Quốc tế làm Thủ tướng lâm thời.

Quyết định của Tổng thống Sergio Mattarella phần nào thể hiện quan điểm của ông đang tìm mọi cách tránh cho Italy kịch bản có một Chính phủ phản đối và hoài nghi châu Âu.

Thủ tướng được chỉ định Carlo Cottarelli cho biết, Italy sẽ có đối thoại với Liên minh châu Âu và nhấn mạnh sự tham gia vào Eurozone của Italy là cần thiết.

Sau quyết định rời EU của Anh, Italy trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 của châu Âu. Do đó, tiến trình thành lập Chính phủ tại Italy có ý nghĩa rất quan trọng với nền kinh tế, thị trường chứng khoán cũng như chính sách nhập cư với người tị nạn của Liên minh châu Âu.

Ngay sau quyết định của Tổng thống Sergio Mattarella, nhiều nước châu Âu lên tiếng ủng hộ quyết định này, đồng thời bày tỏ hy vọng Italy sẽ sớm có một Chính phủ ổn định. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng, Tổng thống Italy đang thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ hiến pháp quốc gia với sự "can đảm và tinh thần trách nhiệm".

Ủy viên Ngân sách EU Guenther Oettinger cũng kêu gọi các đối tác trong khu vực đồng tiền chung châu Âu nỗ lực để thuyết phục các cử tri Italy về giá trị của việc sử dụng đồng tiền chung, qua đó thể hiện sự ủng hộ với quan điểm thân EU của Tổng thống Italy.

Ngoại trưởng Bỉ Didier Reynders cũng nhấn mạnh: “Để thành lập một Chính phủ sẽ cần thời gian. Tôi tin tưởng rằng chúng ta cần phải ưu tiên hàng đầu cho một Chính phủ ổn định.

Tôi hy vọng Italy có thể hướng đến việc thành lập một Chính phủ, nếu không có sẽ có các cuộc bầu cử mới. Ý tưởng đó là cần một Chính phủ có thể làm việc hiệu quả với Liên minh châu Âu. Đó là nhiệm vụ của các nhà lãnh đạo chính trị Italy”.

Triển vọng của các cuộc bầu cử mới tại Italy đang gây lo ngại cho các nhà đầu tư rằng cuộc bỏ phiếu có thể trở thành một cuộc trưng cầu ý dân về tư cách thành viên của Italy trong khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu. Các đảng chính trị Italy cũng đang cân nhắc chiến thuật bầu cử.

Cả Đảng Phong trào 5 Sao (M5S) và đảng Liên đoàn phương Bắc (LN)  - 2 đảng giành được số phiếu cao trong cuộc bầu cử vừa qua cho biết không muốn tổ chức một cuộc bầu cử mới, nhưng lãnh đạo các đảng này vẫn để ngỏ khả năng sẽ thành lập liên minh bầu cử  với nhau nếu thấy cần thiết cho cuộc bầu cử sắp tới./.