Ngày 23/4, Liên minh châu Âu dự kiến tổ chức một cuộc họp thượng đỉnh khẩn cấp tại Brussels, Bỉ, để thảo luận về giải pháp cho cuộc khủng hoảng người nhập cư trên Địa Trung Hải.

Về cơ bản, hội nghị sẽ thông qua kế hoạch hành động 10 điểm mà Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Nội vụ các nước Liên minh châu Âu đưa ra hồi đầu tuần nhằm ứng phó với làn sóng nhập cư vào châu Âu thời gian gần đây. Tuy nhiên, giữa các nước vẫn còn một số bất đồng về việc chia sẻ gánh nặng này. 

nhap_cu_1429494704292_fyom.jpgNgười nhập cư trái phép đang là vấn đề khiến nhiều nước châu Âu lo ngại. (Ảnh: Telegraph.co.uk)

Hãng tin AFP của Pháp dẫn dự thảo tuyên bố của cuộc gặp này, trong đó các nhà lãnh đạo châu Âu cam kết sẽ có những nỗ lực mang tính hệ thống để xác định, bắt giữ và phá hủy những con tàu trước khi chúng được dùng để buôn người.

Cũng theo nguồn tin này, Cao ủy Liên minh châu Âu phụ trách Đối ngoại Federica Mogherini đã được mời tham dự cuộc họp để có thể ngay lập tức chuẩn bị các chính sách an ninh, quốc phòng nhằm thúc đẩy nỗ lực này một cách phù hợp với luật pháp quốc tế.

Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Italy Roberta Pinotti đã kêu gọi Liên minh châu Âu xem xét biện pháp can thiệp quân sự để ngăn chặn tội phạm mà Thủ tướng Matteo Renzi gọi là “những kẻ buôn nô lệ của thế kỷ 21”.

Trước thềm cuộc họp thượng đỉnh ngày 23/4, hơn 50 cựu Thủ tướng, ngoại trưởng và lãnh đạo doanh nghiệp của các nước Liên minh châu Âu ngày 22/4 cũng đã ký vào một bức thư chung kêu gọi các nhà lãnh đạo khu vực lập tức khôi phục các chiến dịch tìm kiếm và cứu nạn trên Địa Trung Hải.

Thủ tướng Anh David Cameron cho biết ông sẽ ủng hộ việc mở rộng chiến dịch tìm kiếm cứu nạn. Tuy nhiên, Bộ trưởng Nội vụ Anh Theresa May và Ngoại trưởng Philip Hammond lại phản đối vì cho rằng điều này sẽ lôi kéo thêm người nhập cư đến châu Âu và có thể gây ra số thương vong lớn hơn. Đây cũng là mối quan ngại của một số lãnh đạo khác trong Liên minh châu Âu.

Mặc dù vậy, đại diện Tổ chức Ân xá quốc tế (AI) tại Anh Carla McLaren phản bác lập luận này. Tổ chức Ân xá quốc tế cho rằng, chính quyết định dừng chiến dịch của Italy hồi năm ngoái mang tên "Vùng biển của chúng ta" (Mare Nostrum) đã góp phần vào số thương vong khủng khiếp trên Địa Trung Hải trong tháng 4 này.

“Việc tìm kiếm và cứu nạn không khuyến khích thêm nhiều người đến châu Âu. Họ phải vượt Địa Trung Hải vì họ chạy trốn xung đột, đói nghèo và khủng bố. Họ mạo hiểm cuộc sống của bản thân và gia đình vì họ buộ phải làm thế chứ không phải vì viễn cảnh mơ hồ về cuộc sống ở đây. Kể từ khi chiến dịch tìm kiếm và cứu nạn kết thúc cuối năm ngoái, chúng ta đã chứng kiến số người tìm cách vượt biển thực chất còn gia tăng. Vì thế, nếu không tìm kiếm và cứu giúp họ, chúng ta sẽ phải chứng kiến rất nhiều người chết”, bà Carla McLaren nói.

Các lãnh đạo Liên minh châu Âu đang xem xét một kế hoạch khác, trong đó yêu cầu Liên hợp quốc giúp đỡ để thành lập một chính phủ ổn định ở Libya, nơi khởi hành của khoảng 90% tàu chở người nhập cư trái phép qua Địa Trung Hải.

Ngoại trưởng Đức Phranh Frank-Walter Steinmeier ngày 22/4 cho biết: “Chúng ta phải củng cố hoạt động cứu nạn trên biển và cũng cần phải thảo luận việc chia sẻ gánh nặng về người tị nạn ở châu Âu. Chúng ta cần phải chiến đấu chống lại các mạng lưới buôn người và cần phải làm gì đó để ổn định các nước láng giềng phía Nam của mình, đặc biệt là Libya. Tôi cũng tin rằng, chúng ta cần phải tham gia vào những cuộc thảo luận mới về luật nhập cư”.

Bên cạnh đó, Liên minh châu Âu cũng đau đầu tìm giải pháp cho người nhập cư đã đến được đây. Đề xuất dự kiến đưa ra tại cuộc họp thượng đỉnh ngày 23/4 sẽ kêu gọi các nước thành viên Liên minh châu Âu chia sẻ gánh nặng này một công bằng. Nhưng đây là cũng vấn đề còn gây nhiều chia rẽ giữa các nước.

Tờ “Người bảo vệ” (The Guardian) của Anh dẫn tài liệu mật của hội nghị thượng đỉnh ngày 23/4 cho biết, chỉ có khoảng 5.000 người nhập cư được chấp nhận cho tị nạn và tái định cư trên khắp các nước châu Âu, còn lại phần lớn sẽ bị trả về nước./.